Đổi mới kiểm tra để tránh học vẹt, học tủ

21/12/2022 - 07:52

TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không tổ chức soạn đề mẫu, không để học sinh học thuộc lòng, các bậc học khác cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho rằng việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện ở tất cả các bậc học. Quá trình đổi mới sẽ tác động ngược lại, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thú vị đề kiểm tra cuối kỳ

Chị Phan Thị Nga, một phụ huynh tại quận 1, chia sẻ từ đầu năm học, nhà trường tổ chức nhiều hình thức học tập rất đa dạng cho con, khi thì học ở công viên, khi được trải nghiệm ở phòng dạy trí tuệ nhân tạo ở một trường ĐH… Cách dạy như vậy nên khi con chia sẻ về đề kiểm tra cuối kỳ I ở trường, nhiều phụ huynh thấy rất thú vị, có khi là một bài tập làm văn ghi lại cảm xúc của con sau khi đi trải nghiệm.

Giáo viên dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh kéo theo quá trình kiểm tra, đánh giá phải đổi mới. (Ảnh: Minh Châu)

Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), cho biết việc đổi mới kiểm tra, đánh giá có thể sẽ khiến các giáo viên cực hơn nhưng đổi lại sẽ đánh giá thực chất năng lực, phẩm chất của từng em học sinh, để từ đó có kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Cô Hương cho biết thêm, thông thường các tổ bộ môn sẽ ra đề kiểm tra sau đó chọn đề, xem xét, điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp là quyết định của ban giám hiệu mỗi trường. Việc ra đề để tránh tình trạng học sinh học vẹt, học tủ đã được thực hiện khá nhiều năm nay. Ở các lớp 1, 2, 3 sẽ theo yêu cầu của chương trình mới, riêng lớp 4, 5 theo hướng dẫn trước đây.

Cũng theo cô Hương, để tránh tình trạng bài mẫu, học sinh học thuộc lòng, giáo viên phải không ra các câu hỏi về lý thuyết, tăng cường các câu hỏi về vận dụng, tư duy nhưng cũng không được đánh đố học sinh. Ví dụ, môn toán sẽ thiên về các bài tập thực hành. Ở môn tập làm văn sẽ đưa ra các câu hỏi nhằm đánh giá quá trình quan sát của học sinh.

Các môn khoa, sử, địa sẽ đưa các xử lý tình huống, chẳng hạn như những câu hỏi đọc báo thấy có nhiều trường hợp thực phẩm, em sẽ làm gì để tự bảo vệ bản thân mình. Hoặc em sẽ làm gì để tiết kiệm điện, nước… là những câu hỏi thiên về vận dụng.

Việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá không những tránh tình trạng học sinh học tủ mà tác động ngược lại đến thầy, cô giáo. Các thầy, cô sẽ phải thay đổi cách dạy, làm sao để các con được nói nhiều hơn. "Dạy học sinh cách làm chứ không phải dạy để biết" - cô Hương nói.

Triệt tiêu văn mẫu, học thuộc lòng?

Trong vài năm trở lại đây, học sinh cơ sở giáo dục tại TP.HCM đã quen với nhiều buổi kiểm tra được tổ chức ở bảo tàng, trên xe buýt, hoặc những dự án liên môn mà ở đó học sinh được làm nhiều vai trò, tự lên kịch bản, đạo diễn… ở đó giáo viên chỉ là người gợi ý ban đầu và chấm điểm.

Ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng kiểm tra, đánh giá hiện nay hướng đến nhiều kỹ năng của học sinh thay vì cách đánh giá trước đây chỉ hướng đến năng lực ghi nhớ của các em. Kiểm tra, đánh giá dù chỉ là một phần nhỏ trong việc hướng đến giáo dục thực chất nhưng rất quan trọng.

Muốn vậy, theo ông Du, giáo viên cũng phải đổi mới, đó là khi chuyển sang đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh thì giáo viên phải xác định đang muốn đánh giá năng lực gì của các em.

"Đơn cử, các bài kiểm tra trước đây chỉ hướng đến đánh giá năng lực ghi nhớ của học sinh nên thường bắt các em học thuộc lòng. Những em không có khả năng thuộc lòng buộc phải gian lận để đạt kết quả. Và khi gian lận thành công sẽ tạo ra tư tưởng tiếp tục gian lận trong các kỳ kiểm tra khác nên hiện nay, cách đánh giá sẽ đổi mới, hướng đến nhiều kỹ năng và chú trọng đến việc học sinh dùng những kiến thức đã học và chuyển hóa nó như thế nào. Học sinh không cần học thuộc lòng vẫn có thể tìm kiến thức trên mạng, từ đó tạo ra các sản phẩm và giáo viên sẽ dựa vào đó để đánh giá" - ông Du nói.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quy định giáo viên không soạn bài mẫu, không bắt học sinh học thuộc lòng của Sở GD-ĐT TP nhằm đổi mới quá trình dạy học và ôn tập tại các cơ sở giáo dục; đổi mới phương pháp dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày một cách mạch lạc, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện cách viết các kiểu văn bản.

"Giáo viên tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ở mỗi bước giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý, giúp các em hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản" - ông Quốc nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, để thực hiện được mục tiêu trên đồng thời đổi mới năng lực dạy học ở các trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn trong cách ra đề kiểm tra, đánh giá. giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập; yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới.

Khi đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dụng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh; khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. 

Theo Người Lao Động