Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chợ Mới luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo. Đặc biệt, với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã tạo ra những đột phá trong phát triển. Xác định nông nghiệp là nền tảng, huyện chủ động xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất “. Tiêu biểu là phong trào chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái. Từ năm 2012, Chợ Mới đã thực hiện chủ trương chuyển đổi thí điểm từ lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái tại 3 xã cù lao: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Đến nay, diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện đạt hơn 5.808ha. Nổi bật là mô hình trồng xoài, với 4.560ha (chiếm 86,6% diện tích, hơn 80% đang cho trái). 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, vườn cây ăn trái, đạt lợi nhuận 180 triệu đồng/ha. Cùng với hiệu quả kinh tế từ xoài kéo theo dịch vụ kinh doanh xoài. Tại 3 xã cù lao Giêng hình thành hơn 50 vựa, điểm thu mua. Thời điểm thu hoạch chính vụ, các vựa, điểm thu mua xoài tiêu thụ 500 tấn xoài/ngày. Với giá bán từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân trồng xoài đạt lợi nhuận từ 180 - 200 triệu đồng/ha/vụ. Các xã còn lại tận dụng hệ thống đê bao khép kín, nông dân chuyển đổi vườn tạp, đất sản xuất lúa sang trồng bưởi, cam, mãng cầu ta, chanh, nhãn... cho hiệu quả kinh tế cao, từ 300- 500 triệu đồng/ha. Đặc biệt, rau màu Chợ Mới quanh năm có mặt trên thị trường, kể cả xuất khẩu sang Campuchia. Hiệu quả thu được từ cây màu rất cao, bình quân 1ha màu thu hơn 400 triệu đồng/năm, giúp đời sống nông dân ngày càng khấm khá.
Theo Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thanh Phong, xuất phát điểm của Chợ Mới có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác. Đảng bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới luôn biết tận dụng, phát huy hiệu quả 2 công trình thế kỷ: hệ thống bờ bao kiểm soát lũ và láng nhựa đường giao thông nông thôn 115 km được hoàn thành vào cuối những năm thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Đây là nền tảng vững chắc để Nhân dân Chợ Mới phát huy sự cần cù, sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ của khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, đem lại thu nhập cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân góp phần xây dựng nông thôn mới Kiến Thành
Cầu Mỹ Luông-Tấn Mỹ, cầu thị trấn Chợ Mới-Tân Long (Đồng Tháp) bắc qua nhánh sông Tiền; đường dẫn cầu Ông Chưởng hoàn thành, được láng nhựa phẳng phiu, hệ thống đèn chiếu sáng đưa vào sử dụng làm nức lòng người dân. Trung tâm thương mại được xây dựng đẹp, hiện đại, tọa lạc ngay trung tâm thị trấn; 3 xã: Long Điền A, Long Điền B và Kiến Thành đạt chuẩn nông thôn mới... góp phần nâng tầm bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, công trình dự án Nam Vàm Nao được Trung ương đầu tư hơn 1.209 tỷ đồng, góp phần chống lũ triệt để cho vùng Chợ Mới, đảm bảo tưới và tiêu chủ động, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, hệ thống kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng. Nhờ có công trình này, toàn bộ diện tích bên trong gần 30.000ha đất nông nghiệp nằm trong hệ thống sản xuất được 3 vụ/năm, kiểm soát lũ an toàn, mở ra hướng phát triển kinh tế cho vùng đất cù lao trù phú. Vui mừng hơn, lần đầu tiên 1 sản phẩm nông nghiệp được công nhận thương hiệu quốc gia đó là xoài VietGap ở xã Bình Phước Xuân. Đề án phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng được tỉnh thông qua, tạo tiền đề để Chợ Mới phát triển ngành công nghiệp không khói.
Ông Ngô Hoàng Hiếu chia sẻ: “Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chợ Mới đạt được thời gian qua rất đáng tự hào. Điều này góp phần đáng kể trong việc thu hút và kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện. Chợ Mới sẽ tiếp tục phấn đấu để gặt hái được những thành công trên con đường đổi mới, nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
HẠNH CHÂU