Ca sỹ Lương Nguyệt Anh biểu diễn tại Army Games. (Ảnh: NVCC)
Rạng sáng ngày 31-8, cuộc bình chọn quốc tế "Đội quân văn hóa" tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 diễn ra tại Nga đã kết thúc.
Hệ thống bình chọn đóng lại với kết quả: Đội tuyển Việt Nam dẫn đầu với 3,56 điểm; tiếp đó thứ nhì là Lào với 3,06 điểm; thứ ba là Nga với 3,04 điểm; thứ 4 là Myanmar với 3,03 điểm; tiếp đó là Serbia (2,94); Armenia (2,42); Azerbaijan (2,41); Sri Lanka (2,38); Kazakhstan (2,25); Trung Quốc (2,23)...
Trong hai ngày 30 và 31-8, điểm số của các nước liên tục có sự thay đổi đầy kịch tính.
"Đội quân văn hóa" là một trong những nội dung quan trọng của Army Games, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, quân đội, văn hóa, đất nước, con người của các nước.
Những mùa giải trước, hạng mục này thường được tổ chức dưới hình thức liên hoan, tuy nhiên, năm nay là lần đầu tiên Ban tổ chức đưa "Đội quân văn hóa" trở thành hình thức thi đấu chính thức, thu hút sự tham gia của đội tuyển đến từ 19 quốc gia.
Kết quả cuộc bình chọn "Đội quân văn hóa." (Ảnh: BTC)
Tiêu chí đánh giá các đội tuyển do Ban tổ chức đưa ra có phần bình chọn từ khán giả theo hai nội dung: Nội dung bình chọn cho phần biểu diễn của các đội tuyển tại Nga và bình chọn cho clip giới thiệu đội tuyển trên trang YouTube.
Tại nội dung bình chọn trên YouTube, clip của Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam cũng dẫn đầu với hơn 150.000 lượt xem, hơn 26.000 lượt like và 1.700 bình luận bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nga.
Trong 5 ngày thi đấu, các nghệ sỹ “Đội quân Văn hóa” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật trong những tác phẩm ca múa nhạc giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian, dân tộc và kế thừa, tiếp biến tinh hoa văn hóa nghệ thuật tiên tiến của thế giới, làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đoàn Việt Nam tại Army Games. (Ảnh: qdnd.vn)
Các tác phẩm nổi bật của đoàn Việt Nam bao gồm: Múa tập thể “Hương rừng,” đơn ca “Cô đôi thượng ngàn” (Lương Nguyệt Anh), biểu diễn âm nhạc cổ truyền Việt Nam (nghệ sỹ nhân dân Xuân Bắc, Công Cương), đơn ca “Ôi! Trời hãy còn chưa tối” (ca khúc tiếng Nga, Lương Nguyệt Anh) và nhạc kịch "Bóng ma trong nhà hát" (Lương Nguyệt Anh, Trịnh Phương)…
Ca sỹ Lương Nguyệt Anh, giảng viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cho hay cô chọn bài chầu văn "Cô đôi thượng ngàn" tham dự cuộc thi là bởi muốn đem tới cuộc thi nét đẹp đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
"Nghệ thuật chầu văn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đó là điều tôi cũng như mọi người dân Việt Nam đều tự hào. Vì vậy, mục đích đầu tiên của tôi khi tham dự cuộc thi là mong muốn được quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam, quảng bá vẻ đẹp cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế tại cuộc thi này," Lương Nguyệt Anh chia sẻ.
Nữ ca sỹ cho hay dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng cả ở Việt Nam và Nga, song các nghệ sỹ, những người lính Cụ Hồ, đều cố gắng vượt lên những lo lắng để nỗ lực thi đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.
Theo MINH THU (Vietnam+)