Đổi thay nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang

22/11/2022 - 07:10

 - Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực. Đặc biệt, sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập (tháng 4/1930), Đảng đã lãnh đạo nhân dân Chợ Mới đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chợ Mới đi đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Phong tặng danh hiệu anh hùng

Chợ Mới là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, nhưng là địa phương giải phóng sau cùng ở miền Nam. Điều này nhắc nhở các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên “chiếc nôi cách mạng” về một thời ác liệt, không ít đau thương nhưng vô cùng vẻ vang, đầy tự hào và vinh quang. Trong chiến công chung của nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Chợ Mới, có những tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng mà tên tuổi sống mãi, như: Huỳnh Thị Hưởng, Võ Ánh Đăng, Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Văn Ba, Phạm Văn Cương, Lê Hưng Nhượng, Dương Bình Giang...

Đau thương, mất mát càng tô thắm vẻ đẹp hào hùng của 4 danh hiệu tập thể và 10 danh hiệu cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.143 liệt sĩ; 353 thương binh; 3.704 gia đình có công với nước; 106 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 376 huân, huy chương kháng chiến các loại... nói lên sự oanh liệt, vẻ vang và vinh quang của những người con trên quê hương Chợ Mới anh hùng. Ngày 16/12/2014, Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là lần thứ 2 huyện Chợ Mới vinh dự được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Trong đấu tranh, nhân dân Chợ Mới rất anh dũng, trong lao động rất anh hùng. Điều kiện tự nhiên cho Chợ Mới những thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Chợ Mới có được thành quả như hôm nay là kết tinh từ mồ hôi, xương máu của bao thế hệ lao động cần lao, gian khổ. Sự cần cù, sáng tạo mà các thế hệ tiền nhân đã biến vùng đất sình lầy, hoang vu này thành ruộng đồng tươi tốt, vườn cây trái đầy cành.

Sau ngày giải phóng, từ nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân huyện Chợ Mới đã vươn lên thoát đói, giảm nghèo. Từ năm 1980, huyện đã cải tạo thành công nông nghiệp, sản xuất từ 1 vụ tăng lên 2 lúa/năm, lương thực dư ăn, điều tiết giúp các huyện khác. Không chỉ đi đầu trong sản xuất 2 vụ lúa, Chợ Mới còn đi đầu trên mặt trận thủy lợi, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công - thương nghiệp...

Đi đầu phát triển nông nghiệp

Xuất phát từ quan điểm nông nghiệp phải là nền tảng, là mặt trận hàng đầu thúc đẩy kinh tế phát triển, Huyện ủy, UBND huyện đã thực hiện đột phá về chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập và giá trị trên cùng diện tích đất canh tác. Từ kinh nghiệm lãnh đạo bao đê chống lũ năm 1978, Huyện ủy đã ra nghị quyết xây dựng bờ bao kiểm soát lũ 81 tiểu vùng, gắn với nhựa hóa giao thông nông thôn liên xã 154km, công trình huy động từ xã hội hóa trong nhân dân thực hiện từ năm 1995-2000 hoàn thành trên toàn huyện. Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa và giao thương.

2 công trình “ý Đảng, lòng dân” này được nhân dân ủng hộ, đóng góp trên 140 tỷ đồng. Từ đó, nông nghiệp Chợ Mới “thay da, đổi thịt” chuyển từ sản xuất lúa 2 vụ, chạy lũ hàng năm lên sản xuất lúa 3 vụ đảm bảo ăn chắc, rau màu sản xuất quanh năm với hơn 26.000ha. Chính từ đột phá thành công này, Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới ngày 7/11/2000.

Ngày nay, huyện Chợ Mới đi đầu về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đã chuyển gần 7.800ha từ lúa sang vườn cây ăn trái, trong đó diện tích xoài các loại gần 6.500ha, có 704ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đã xuất khẩu xoài vào thị trường Úc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ... Riêng xã Long Kiến trồng sầu riêng trên 70ha, xã An Thạnh Trung 30ha thu lợi nhuận cao. Đang tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và phát triển du lịch (DL) tâm linh, tín ngưỡng cù lao Giêng; DL sinh thái, DL nhà vườn và DL homestay và đã kết nối các tour, tuyến DL trong và ngoài tỉnh.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Chợ Mới phát triển mạnh với 13 làng nghề truyền thống, gần 3.500 cơ sở, cùng 607 doanh nghiệp và hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ - DL đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế của huyện. Chợ Mới có thế mạnh xay xát gạo xuất khẩu, đóng tàu sắt trọng tải lớn, sản xuất sắt thép, nghề mộc, chạm khắc gỗ xuất khẩu; đông lạnh thực phẩm xuất khẩu; sản xuất thú nhồi bông xuất khẩu; sản xuất gạch ngói và dây keo... 13/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 54,97 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,7%. Đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân phát triển và nâng cao với 16 xã văn hóa, 2 đô thị văn minh, 142/142 ấp văn hóa, trên 98% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Chợ Mới quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị quan trọng, xây dựng Chợ Mới trở thành huyện nông thôn mới, xứng đáng 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.

HẠNH CHÂU