Đổi thay ở căn cứ cách mạng An Hòa Xương

26/08/2022 - 08:06

 - Về lại vùng căn cứ cách mạng An Hòa Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) trong những ngày tháng 8 lịch sử, dễ nhận ra nhiều sự đổi thay từ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đến tập quán sản xuất. Chính điều này đã làm cho đời sống người dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên.

Từ kết cấu hạ tầng

Ông Trần Thanh Hoàng là lão nông sống ở đây 75 năm, chứng kiến biết bao sự đổi thay của quê hương. Năm 1975 trở về trước, từ xã Vĩnh Hòa đi về trung tâm thị xã, chỉ có thể đi bộ hoặc bơi xuồng, mà đi bộ phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ. Nay, nhờ có cầu Tân An, nối đôi bờ Tân An - Long An nên cung đường ngắn lại, đi về khoảng 30 phút. Trước đây, nếu đi bộ thì đi theo lối mòn. Nay, lối mòn đã được nâng lên thành Tỉnh lộ 952. Vừa rồi, ngày 28/3/2022, Chính phủ ký quyết định cho khởi công xây dựng cầu Châu Đốc (thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL).

Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh lộ 952 (đi qua vùng căn cứ cách mạng An Hòa Xương) được nâng lên thành Quốc lộ 80B, mở ra triển vọng rất lớn trong phát triển kinh tế biên giới ở khu vực phía Bắc. “Về hệ thống giao thông, nhà nước không chỉ nâng cấp tỉnh lộ, quốc lộ, mà ngay cả hệ thống giao thông nội đồng (đường thép, đường cộ) cũng được khôi phục, giúp việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản được dễ dàng hơn. Trong sản xuất, nhà nước định hướng cho nông dân ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó mà hiệu quả sau mỗi vụ mùa ngày càng thấy rõ” - ông Hoàng khẳng định.

Đổi thay trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã biến vùng căn cứ cách mạng An Hòa Xương trở thành vùng đất đáng sống, bởi giao thông phát triển, đường sá mở rộng. Trong 10 năm qua, đã có trên 50 cây cầu nông thôn được chính quyền và nhân dân cùng nhau thực hiện, đường cộ nội đồng được khôi phục để phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều đáng mừng hơn, những xã trong vùng căn cứ cách mạng năm xưa, đều được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới.

Đến tập quán sản xuất

Ngoài hạ tầng kỹ thuật, có một sự đổi thay rất đáng tự hào, đó là đổi thay trong tư tưởng, hành động của cán bộ địa phương theo hướng sát dân, gần dân, thấu hiểu, chia sẻ những vấn đề bức xúc của dân. Chính sự gần gũi này tạo được sự đồng thuận giữa 2 bên trong thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, địa phương nói riêng. Ngày nay, tập quán sản xuất của bà con trong vùng thay đổi rất lớn. Cụ thể, bà con mạnh dạn chuyển đổi trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, xoài thơm Vĩnh Hòa và các loại cây có múi khác.

Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đầu tư hạ tầng phục vụ chương trình giống cá tra 3 cấp

Trong nuôi trồng thủy sản, ngoài duy trì ngành nghề truyền thống (nuôi cá tra giống phục vụ chương trình chế biến cá tra xuất khẩu), người dân đã đa dạng hóa, nuôi thêm lươn, cá chạch lấu, cá heo, cá ét, mè hôi, cá giáo, cá dứa… Đây là những loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế rất cao. “Nhờ cán bộ ở xã, thị xã đến gặp mặt, trao đổi thông tin, định hướng phát triển sản xuất, nhận thấy được hiệu quả của kinh tế hợp tác nên chúng tôi cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất, từ làm ăn cá thể, nhỏ lẻ chuyển sang mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm áp lực về đầu ra hàng hóa nông sản. Từ đây, Hợp tác xã trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc ra đời và đang phát huy tốt vai trò, trách nhiệm với nông dân” - Giám đốc Hợp tác xã trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc Huỳnh Văn Hiệp chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, vùng căn cứ cách mạng An Hòa Xương đã có gần 20 hợp tác xã đang hoạt động trên các lĩnh vực trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản. Đây là con đường phát triển bền vững, giúp nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Sự đổi thay làm giảm số hộ nghèo dưới 1,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm. Những hộ trồng lúa giờ đã áp dụng triệt để chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.

“Ban Thường vụ Thị ủy Tân Châu chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại, tổ chức các buổi họp lắng nghe ý kiến của nhân dân trên địa bàn, trong đó có vùng căn cứ cách mạng An Hòa Xương. Tổ chức thực hiện theo định kỳ, đột xuất để những vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết một cách kịp thời, thấu tình, đạt lý. Qua đó, tạo sự đồng thuận để nhân dân cùng Đảng, nhà nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái chia sẻ.

An Hòa Xương là vùng căn cứ cách mạng, trải dài từ xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa, Tân An. Nơi đây có căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên, một địa danh làm quân thù khiếp sợ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân An Hòa Xương gan dạ, anh hùng, một lòng đi theo Đảng. Nhiều trận đánh diễn ra trên vùng đất này, giành nhau từng tấc đất, căn nhà, bờ tre, bờ chuối…

 

MINH HIỂN