“Đội thi công cầu tình nguyện số 2 có trên dưới 10 thành viên. Chúng tôi gắn bó với công việc này từ cuối năm 2017 đến nay. Khi có chủ trương xóa cầu tạm cũng là lúc đội làm cật lực nhất. Những cây cầu đầu tiên anh em chúng tôi bắc là ở xã Định Mỹ.
Lúc đó vì chưa có kinh nghiệm nên so với những cây cầu bây giờ, chất lượng không bằng. Lâu dần, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, “tay nghề” đội thi công cầu tình nguyện số 2 ngày càng được khẳng định. Chỉ tính riêng trong huyện Thoại Sơn, đội đã xây hơn 60 cây cầu bê tông, ngoài tỉnh là 23 cây. Tất cả các cây cầu đều có tuổi thọ trên 70 năm nếu không bị ngoại lực tác động, tải trọng từ 5-15 tấn (tùy vào kinh phí xây dựng).
Nhờ bố trí, sắp xếp công việc hợp lý nên anh em trong đội đều phát huy hết năng lực của mình, đẩy nhanh tiến độ thi công. Dẫu có cực nhưng chúng tôi thấy mồ hôi mình đổ ra rất xứng đáng. Chỉ cần nhìn thấy bà con chạy xe an toàn trên những cây cầu chính tay đội mình xây, chúng tôi đã thấy rất hạnh phúc!”- chú Nguyễn Thanh Chuyền (tên thường gọi Tám Chuyền, 78 tuổi, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch) chia sẻ.
Chú Tám Chuyền dù tuổi cao nhưng vẫn rất tâm huyết với việc xây cầu từ thiện
Tuổi đời các thành viên của Đội thi công cầu tình nguyện số 2 đa phần đều từ 50 tuổi trở lên, có người gần 80 tuổi vẫn rất nhiệt tình. Song, cũng có vài thanh niên trai tráng, vì cảm phục việc làm và tấm lòng của các chú nên tình nguyện gia nhập đội. Không nhận cho mình bất cứ khoản tiền bồi dưỡng nào nhưng Đội thi công cầu tình nguyện số 2 khiến tôi cảm phục bởi cái tâm và sự tận tụy trong công việc.
Dù vất vả nhưng khi hỏi đến, ai cũng trả lời bằng nụ cười thân thiện: “Làm thế này mới biết mình còn sức khỏe đến đâu”. Mấy ai ngờ được sau sự nhiệt huyết đó, người nào cũng có cảnh khó riêng của mình. Mỗi người một cảnh, dẫu cuộc sống còn phải lo cái ăn hàng ngày nhưng các thành viên không hề than thở. Như chú Tám Chuyền, là đội trưởng, tập hợp anh em xây cầu từ thiện nhưng hiện chú chỉ sinh sống cùng vợ. Con vì cuộc sống phải bôn ba xứ khác làm ăn, thỉnh thoảng mới về thăm ba, mẹ.
Mỗi lần nhận công trình xây cầu, chú Tám hầu như đi suốt, chỉ còn vợ chú lủi thủi một mình. Nhưng theo lời chú Tám, người truyền động lực nhiều nhất cho chú tiếp tục công việc chính là vợ mình. Bà không bao giờ than phiền hay trách móc chồng, trái lại còn là chỗ dựa cho chồng mỗi khi hết việc, trở về nhà. Năm 2017, chú Tám Chuyền vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng 3 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội - từ thiện, góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Cây cầu kiên cố (nối nhịp xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Chánh) được Đội thi công cầu tình nguyện số 2 thực hiện
“Một lần về xây cầu nơi tôi đang sinh sống (TP. Cần Thơ), thấy việc làm có ích của đội chú Tám Chuyền, tôi đã xin tham gia, bởi An Giang là quê gốc của tôi. Gần 3 năm qua, hễ chú Tám cho hay chuẩn bị xây thêm cây cầu nào, tôi đều cố gắng sắp xếp công việc có mặt cùng mọi người. Với công việc làm công ăn lương theo ngày, tôi không bị gò bó thời gian nên có thể góp công cùng đội bất cứ lúc nào. Mỗi lần đi công trình, gần thì chiều tôi về nhà, còn xa quá thì ở lại nhà chú Tám. Mình không có của thì góp sức cùng mọi người xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp”- anh Huỳnh Văn Vũ (40 tuổi, ngụ TP. Cần Thơ) bày tỏ.
Chính nhờ nghĩa cử cao đẹp của những người bỏ công, bỏ sức xây cầu như Đội thi công cầu tình nguyện số 2 mà “nhịp bờ vui” nối liền đôi bờ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại cũng như giao thương, phát triển kinh tế ở các địa phương. Riêng Đội thi công cầu từ thiện số 2 cũng nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen từ huyện đến tỉnh cho việc làm thiện nguyện của tất cả thành viên.
“Hiện, hầu hết những cây cầu trên địa bàn xã Vĩnh Trạch đều do Đội thi công cầu tình nguyện số 2 thực hiện. Các công trình khi hoàn thành đều đạt chuẩn về các thông số kỹ thuật, đồng thời giúp địa phương giảm chi phí thi công khoảng 30% trở lên”- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Huỳnh Ngọc Bé cho biết.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN