Phương pháp chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 tại trung tâm Max-Delbrueck. Ảnh: Global Look Press
Theo kênh truyền hình RT, tiến bộ chỉnh sửa gen con người được nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua đã biến khoa học viễn trở thành một khả năng thực tế.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo đã chỉnh sửa thành công phôi thai của con người. Trong khi nhiều người còn lo ngại về các thử nghiệm lĩnh vực này do hạn chế về mặt kỹ thuật và vấn đề đạo đức, một nhà khoa học người Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu để tạo ra một cặp bé gái sinh đôi có gen chỉnh sửa.
Nhà khoa học Jiankui, sinh sống tại Thâm Quyến, cho rằng những đứa trẻ đó có khả năng kháng virus HIV sau khi ông “vô hiệu hóa” một gen cụ thể.
Kết quả công trình nghiên cứu đã được đăng trên các tài liệu y tế trực tuyến. Trả lời hãng tin AP, nhà khoa học này xác nhận đã tiến hành nghiên cứu và dự kiến tổ chức một hội thảo quốc tế về gen tại Hong Kong (Trung Quốc) trong tuần này. Ông cho biết những nỗ lực tiên phong của mình có nghĩa đặt một hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu khác. “Tôi cảm thấy phải có trách nhiệm, khi đây không chỉ là mang ý nghĩa đầu tiên, mà nó còn phải là một ví dụ. Xã hội sẽ quyết định phải làm gì tiếp theo”.
Công cụ chỉnh sửa gen được gọi là CRISPR-cas9 cho phép chỉnh sửa các gen tương đối đơn giản và chi phí tiết kiệm. Phương pháp này được sử dụng để điều trị một số bệnh cụ thể ở người, nhưng việc chỉnh sửa không ngăn ngừa những gì họ có thể truyền cho con cái của họ. Tuy nhiên, thay đổi phôi thai thì lại mang lại kết quả hoàn toàn khác biệt. ADN bị thay đổi có thể không bị di truyền.
Nhà khoa học Jiankui cho biết ông đã chọn virus HIV trở thành mục tiêu ngăn ngừa trong nghiên cứu của mình vì căn bệnh thế kỷ đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Trung Quốc, với từ 500.000 đến 1,5 triệu người bị nhiễm bệnh. Nếu như bị công khai về tình trạng bệnh, người đó phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Dự án tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV có một đứa con có khả năng chống lại virus mang bệnh của cha mẹ là một mong mỏi từ bấy lâu nay.
Tuy nhiên, với kết quả ban đầu, một số nhà khoa học - sau khi xem xét thông tin đăng trên AP - lại bày tỏ nghi ngờ và cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận phương pháp này có thực sự thành công hay không. Một bộ phận trong giới khoa học giải thích phương pháp chỉnh sửa gen có thể khiến các bé dễ bị nhiễm các bệnh khác như cúm.
Không chỉ có vậy, theo hãng tin AP, một trong những vấn đề lớn gây tranh cãi trong dự án y tế chỉnh sửa gen của nhà khoa học Jiankui là tên gọi của phương pháp được sử dụng trong mẫu hợp đồng đưa cho các cặp vợ chồng tham gia. Trên đó mô tả phương pháp này phục vụ cho chương trình phát triển “vắc xin” HIV và rất có thể người tham gia đã bị lừa. Tuy nhiên, giáo sư sinh học Michael Deem, người cố vấn của Jiankui khi ông này học ở Mỹ và làm việc với ông về dự án, khẳng định người tham gia được thông báo đầy đủ về các rủi ro liên quan và chấp thuận với bản chất tự nhiên của dự án. Cha mẹ của cặp bé gái sinh đôi còn được nhóm khoa học trợ giúp sinh sản miễn phí.
Jiankui điều hành một phòng thí nghiệm thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Trung Quốc ở Thâm Quyến, đồng thời sở hữu hai công ty về di truyền học trong nước. Trước đây, ông từng thử nghiệm trên chuột, khỉ và phôi người. Ông đã nộp đơn xin bằng sáng chế cho các phương pháp của mình, mặc dù không có bất kỳ ứng dụng thương mại nào được đề cập.
Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)