Đón rằm tháng Giêng

22/02/2024 - 06:19

 - Với người Việt, rằm tháng Giêng là một trong những ngày rằm được chờ đợi nhất trong năm. Bên cạnh lễ chùa cúng Phật, hiếu kính tổ tiên ông bà, người ta thường làm nhiều việc lành để cầu bình an cho năm mới.

Tết Nguyên tiêu hay rằm tháng Giêng là rằm lớn và trọng đại nhất trong năm. Dân gian có câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, hay trong Phật giáo có câu “Ăn chay niệm Phật cả năm, không bằng dự hội ngày rằm tháng Giêng”, cho thấy tầm quan trọng về mặt tinh thần, tâm linh của ngày Tết Nguyên tiêu đối với người dân Việt Nam.

"Chúng tôi đi chùa đầu năm chủ yếu cầu gia đạo bình an, làm ăn phát đạt. Với tinh thần đi chùa tùy duyên nên trên cung đường gặp chỗ nào ghé chỗ đó. Năm nay, điểm đầu tiên chúng tôi đến cúng viếng dự kiến là Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn)” – cô Hoàng Oanh (ngụ tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.

Cùng với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm (TX. Tịnh Biên) được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến hành hương thì Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn) cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người vài năm trở lại đây. Bởi thế, xe cộ cũng tấp nập trên các cung đường dẫn vào chùa vì dòng người từ nhiều nơi đến chiêm bái, viếng chùa, lễ Phật trong dịp rằm tháng Giêng.

"Tôi không rành việc cúng bái nhưng nghĩ rằng chỉ cần mình có tâm đi chùa là được. Dịp rằm tháng Giêng, tôi thường đi chùa cầu bình an cho gia đình" – chị Phương Linh (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho hay.

Với mỗi người dân Việt Nam, việc đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.

Ngày rằm tháng Giêng, nhiều gia đình thường sẽ bày một mâm cúng để thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với Phật và ông bà tổ tiên, mong năm mới an lành. Tùy vào phong tục, tập quán của mỗi vùng miền mà sẽ có nhiều cách thể hiện mâm cỗ khác nhau, nhưng đều chung mục đích tỏ lòng thành kính của mình.

"Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Ngày này, nhà tôi thường làm mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay để cúng Phật. Đặc biệt, trong mâm cỗ phải có chè trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn loại chè này là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy” - chị Võ Ngọc Ngân (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bộc bạch.

Cận ngày rằm tháng Giêng, không chỉ ở các khu chợ truyền thống mà tại các nhóm chợ trên mạng xã hội cũng nhộn nhịp buôn bán, đặc biệt là dịch vụ đặt cỗ hay các loại bánh, xôi, gà online. Nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống cho biết, vài ngày trước rằm tháng Giêng, khách hàng đã bắt đầu đi mua thực phẩm để chuẩn bị cho mâm cúng của gia đình.

Ngoài các loại thực phẩm tươi sống, các loại rau, củ, đậu hũ cũng có mức tiêu thụ lớn. Các loại hoa cúng rằm được bày bán nhiều trong những ngày này, giá bán không giảm nhiều so với thời gian trước Tết.

Bán online đã nhiều năm, vì vậy chị Thu Thảo (phường Bình Khánh) rất có kinh nghiệm. Theo chị Thảo, trước rằm tháng Giêng hơn tuần, chị đã nhận đơn đặt chè trôi nước và xôi cúng. Nhiều nhất vẫn là chè trôi nước. Với giá bán 40.000 đồng/10 viên, món chè của chị rất được khách ưa chuộng. “Có lúc đơn đặt hàng nhiều quá, tôi phải ngưng nhận trước đó 2 ngày, mới có thể chuẩn bị chu đáo, để khách có món chè ngon cúng ngày rằm” – chị Thu Thảo nói.

Nhu cầu ăn chay của người dân tăng mạnh, thực phẩm chay nói chung và các món chay chế biến sẵn luôn thường trực từ chợ đến quán ăn. Tuy có người ăn chay theo “xu hướng”, nhưng cũng có người vì muốn thanh tịnh, hoặc đơn giản hơn là cầu mong điều may mắn, phước lành mà nghĩ đến việc ăn chay. Dẫu vì điều gì cũng không thể phủ nhận, ăn chay ngày nay trở nên phổ biến, đặc biệt là vào dịp tháng Giêng.

Vì thế, từ quán chay vùng ngoại ô, ven đô hay trong nội ô thành thị, luôn tấp nập người đến ăn chay vào dịp rằm tháng Giêng. Đi cùng xu hướng ăn chay, thị trường món chay ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Từ những thực phẩm đơn giản, dễ trồng, dễ mua người ta đã chế biến nên những món chay vô cùng hấp dẫn.

Rằm tháng Giêng có ý nghĩa đặc biệt, được mọi người chờ đón trong tâm thế sẵn sàng nhất để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.

PHƯƠNG LAN