“Lịch sử” của trạm BOT T2
Trở lại dự án cải tạo, nâng cấp QL91 (đoạn thuộc địa phận TP. Cần Thơ), khi Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) phê duyệt dự án và triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), người dân rất đồng tình, ủng hộ bởi QL91 thời chưa cải tạo bị xuống cấp nặng, có rất nhiều “điểm đen” về tai nạn giao thông. Đường nâng cấp xong, đầu năm 2016, chủ đầu tư đặt trạm BOT T1 tại phường Phước Thới (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ), người dân sẵn sàng đóng phí.
Tuy nhiên, trước đó, một tuyến đường khác nối với QL91 là tuyến QL91B vừa thông xe vào tháng 6-2010 lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau nhiều lần sửa chữa không hiệu quả, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 1 rà soát, cập nhật dự án QL91B từ hình thức đầu tư ban đầu là nguồn trái phiếu Chính phủ chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT, do Liên danh Sonadezi - Cường Thuận IDICO tiếp tục là nhà đầu tư. Sau đó, “ghép” dự án này vào dự án QL91. Thế là cuối năm 2016, khi QL91B hoàn tất, Bộ GTVT quyết định lập Trạm BOT T2, đặt tại Km 50+050 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) để thu phí hoàn vốn cho dự án này dù trạm nằm cách QL91B đến… 40km.
Vị trí đặt trạm BOT T2 là sai ngay từ đầu
Việc đặt trạm BOT T2 vấp phải sự phản ứng quyết liệt của 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và ngay cả người dân TP. Cần Thơ, bởi dù chỉ sử dụng vài trăm mét trên QL91 (chưa hề “đụng” đến QL91B) để qua lại giữa các địa phương hoặc xuống phà Vàm Cống nhưng phải trả phí toàn tuyến (45km của QL91 và QL91B). Đó là chưa kể, trạm BOT T1 và T2 chỉ cách nhau 32km, vi phạm về khoảng cách tối thiểu đặt trạm của chính Bộ GTVT (ít nhất cách nhau 40km). Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, trước khi thông xe cầu Vàm Cống, đơn vị đã có 15 lần kiến nghị di dời trạm nhưng Bộ GTVT chỉ đồng ý phương án miễn, giảm và trạm vẫn “cố thủ” cho đến nay. Ngay cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cuối năm 2017, về việc giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tìm giải pháp đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất, trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Tuy nhiên đến nay, khi cầu Vàm Cống đã thông xe, trạm BOT T2 vẫn cứ yên vị.
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Trạm BOT T2 càng bùng nổ sau khi cầu Vàm Cống khánh thành và thông xe ngày 19-5-2019. Trước phản ứng quyết liệt của tài xế, chủ xe, doanh nghiệp, đại diện các địa phương trong khu vực, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay vì đề xuất phương án hợp lòng dân thì lại gửi công văn hỏa tốc ngày 24-5, yêu cầu mở rộng bán kính miễn, giảm từ 5km lên 10km xung quanh trạm. “Chúng tôi kiên quyết không đồng ý giảm 50% như trước nữa. Phương tiện chỉ sử dụng có 300m QL91, chưa tới 1% tuyến đường BOT là qua cầu Vàm Cống sao phải trả tới 50%. Chưa kể, những phương tiện từ các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh (ngoài bán kính 10km quanh trạm BOT T2), phương tiện từ các địa phương khác đến An Giang kinh doanh, du lịch, làm việc phải đóng phí 100% thì khác nào cản trở An Giang phát triển. Từ ngày 25-5 đến nay, chúng tôi không lập danh sách giảm giá thêm bất kỳ phương tiện nào, mà yêu cầu chỉ tính phí đúng theo cự ly sử dụng tuyến BOT” - ông Nguyễn Ngọc Xuân nhấn mạnh.
Ngày 28-5 vừa qua, trong công văn gửi Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam ủng hộ quan điểm của An Giang. Nhắc lại đề nghị Bộ GTVT thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về di dời trạm BOT T2 (thể hiện trong Thông báo số 05/TB-VPCP, ngày 4-1-2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh An Giang ngày 6-12-2017), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nêu rõ: “Trường hợp nào đó không thực hiện được theo ý kiến chỉ đạo, thì cần báo cáo Thủ tướng, xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo”. Ông Quyền cũng khẳng định: “Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương của nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT, PPP. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phải hợp lý, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận trong xã hội và người sử dụng dịch vụ đường bộ”.
Thảo luận tại Quốc hội cuối tuần qua, đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) thẳng thắn đề nghị Bộ GTVT tích cực và nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý trạm BOT T2 theo hướng “phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền đúng bấy nhiêu”. Nếu không, Bộ GTVT nên xây dựng phương án di dời trạm. “Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ra quyết định đặt sai vị trí thì phải chịu trách nhiệm, kể cả chi phí di dời” - đại biểu Đôn Tuấn Phong nêu ý kiến.
Chính Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng đã thừa nhận bất cập tại trạm BOT T2 khi lượng phương tiện lớn di chuyển hướng QL80 về An Giang và ngược lại phải đóng phí toàn tuyến dù chỉ sử dụng có 300m BOT. Ngay cả khi đặt trạm BOT T2, Bộ GTVT cũng chỉ lấy ý kiến của đại diện TP. Cần Thơ, trong khi những địa phương bị “chốt chặn” trực tiếp là An Giang không hề được lấy ý kiến. Một tín hiệu vui là Bộ GTVT “đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm thu phí T2” trong các phương án giải quyết bất cập của trạm này.
Với ý kiến của người dân, doanh nghiệp, địa phương, báo chí, đại biểu Quốc hội và các cơ quan Trung ương có trách nhiệm, trạm BOT T2 hoặc là phải trả về đúng vị trí của nó hoặc có phương án mở làn miễn phí đi và về giữa An Giang - cầu Vàm Cống. Đó là điều mọi người mong mỏi.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN