Động lực cho xuất khẩu hàng hóa

12/01/2022 - 14:14

Với cam kết giảm thuế sâu rất nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng giảm về 0%, năm 2021, các Hiệp định thương mại tự do đã đóng góp rất tích cực cho thành công chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu nếu tận dụng tốt FTA.

Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, song xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU chiếm 12% với trên 1 tỷ USD, tăng 12% so năm 2020. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng thu về gần 2,2 tỷ USD, gần tương đương so năm 2020.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các Hiệp định thương mại tự do. Tại thời điểm đến hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm, tình hình khởi sắc rõ rệt, nhất là khi Nghị quyết 128 ra đời đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành. Đồng thời, nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã có, tính riêng trong tháng 12/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD, đây là con số chưa từng có”.

Thủy sản là một trong những ngành đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt kỷ lục với 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so năm trước. Việt Nam đã xuất siêu với mức thặng dư 4 tỷ USD bất chấp khó khăn của đại dịch. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích này chính là “chất xúc tác” từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Bộ Công thương, 15 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong năm qua đều đạt mức tăng trưởng dương, như: Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%, Australia tăng 3,1%.

Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đang được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả.

Cụ thể, Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những hiệp định được doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nhất. Theo Bộ Công thương, năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng 14%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo… Tính từ ngày 1/1-26/12/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 201.846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5.217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Dệt may là ngành được đánh giá bước đầu đã tận dụng được hiệu quả của EVFTA. Xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2021 sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 4,85% so cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “EVFTA đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Không chỉ tạo ra thị trường rộng mở, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu, EVFTA còn gia tăng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực dệt may; đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghệ về tự động hóa, quản trị số, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường may mặc toàn cầu”.

Không chỉ EVFTA, Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU, với thương mại 2 chiều đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số (xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%).

Đối với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có Hiệp định thương mại tự do, như Canada và Mexico cũng liên tục duy trì hai chữ số (xuất khẩu sang Canada tăng 19,5%, Mexico 46,1%). Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru, cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu (tăng 84,3%), thậm chí có giai đoạn lên đên 300%…

Thủy sản đã tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do.

Cần am hiểu sâu hơn về thị trường

Mặc dù đã có những “trái ngọt” ban đầu từ việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên, nhìn thực tế, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của các thị trường này.

Đơn cử, với mặt hàng nông sản, mặc dù năm 2021 đã xuất khẩu tới hầu hết thành viên của EU, trong đó thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan, song thị phần nông sản Việt Nam trên thị trường EU còn nhỏ, hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp. Trong thời điểm đầu năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại, để tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, thúc đẩy xuất khẩu bền vững sang EU.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng có rất nhiều các quy định khắt khe về tiêu chuẩn, an toàn sản phẩm. Hàng hóa muốn vào được thị trường này phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường. Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ.

“Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội. Họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hủy hoại môi trường do phương pháp thâm canh sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu”, bà Nguyễn Hoàng Thúy chia sẻ.

Bà cũng cho biết, các nước này đồng thời quan tâm đến điều kiện lao động và vấn đề cạnh tranh của các nhà sản xuất nhỏ. Vì những lý do này, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng ngày càng tăng. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu thích nhập khẩu hàng hóa từ các công ty có chứng chỉ CRS (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và áp dụng các bộ quy tắc về ứng xử (Code of Conduct).

Trong năm 2022, một Hiệp định lớn là RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tiếp tục là một trong những xung lực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Do đó, điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

Theo HÀ ANH (Nhân Dân)