Trên dòng Bình Di
Từ mẹ Mekong, một dòng sông con chảy xuyên về An Giang. Mới chạm ngõ huyện An Phú, dòng nước rẽ đôi. Nhánh chính bên bờ đông rộng rãi, vẫn giữ tên sông Hậu. Còn nhánh phụ dùng dằng xuôi về bên bờ tây, nhỏ xíu nhưng có hẳn tên mới: Bình Di, phân cách biên giới Việt Nam - Campuchia. Lỡ trớn nhóng xuồng ra giữa sông một tí, xem như “đã ra nước ngoài”.
Hai bên bờ, dần dần theo thời gian, dân cư đông đúc. Họ sống nhờ sản vật trên sông, nhờ nuôi cá bè, nhờ lưu thông hàng hóa. Thậm chí, dòng Bình Di chứng kiến không ít lượt người lén lút vận chuyển hàng lậu qua lại biên giới. Dịch bệnh bùng phát, có người men theo dòng nước, tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép về quê tá túc, hoặc rời quê tìm kế sinh nhai… Bao vui buồn, lắng đọng lẫn nhộn nhịp, cứ thế được dòng nước lẳng lặng ôm vào mình.
Trời mờ mờ sáng thôi, mà con sông đã thức. Nói đúng hơn, là người sống nương trên con sông đã thức (có khi chưa từng ngủ). Ông Nguyễn Hải Nam (sinh năm 1970) bận rộn kéo lưới, bộ đồ mỏng manh dính ướt vào người. Chiếc xuồng nhỏ bị nước vỗ chòng chành mỗi khi ghe lớn chạy qua, nhưng ông vẫn điềm tĩnh, chăm chú vào việc mình. Đáp lại nhiệt tình của ông, là vài con cá hủng hỉnh mắc vào lưới. “Cuối mùa nước nổi rồi, cá mắm còn gì nữa đâu. Biết là vậy, tôi vẫn muốn tranh thủ sáng sớm ra sông. Thời may, được mớ cá trọng trọng thì thêm tiền chợ. Hổng được cũng chẳng sao. Đỡ hơn nằm ườn ở nhà, bứt rứt lắm!”.
Ông sống ven sông Châu Đốc, lên xuống với dòng Bình Di này thấm thoắt 20 năm. Không hẳn thiếu thốn, ông vẫn đắp đổi bằng nghề nông, mua bán chút đỉnh. Nhưng, con cái lớn khôn rồi xa nhà, vợ từ giã ông sau cơn bạo bệnh. Ở tuổi lưng chừng cuộc đời, ông sợ cảm giác cô độc trong chính căn nhà mình. Vậy là hưng hửng sáng, ông thức trước mặt trời, xách “bộ đồ nghề”, ngược theo dòng Bình Di, khuây khỏa thời gian với con nước. Nắng rát lưng, ông lầm lũi trở về. “Cá nhiều thì tôi đem bán, cá ít thì gửi nhà hàng xóm ăn lấy thảo. Tôi kiếm gì đó gọn gọn qua bữa, chứ nấu nướng bày biện mất công, đằng nào cũng chỉ một mình” - ông tần ngần, rồi quay đi.
Tôi bắt qua chuyện tháng Chạp, ông tươi tỉnh hẳn lên: “Tụi nhỏ hứa sắp xếp về ăn Tết sớm, hết mùng mới đi. Xa quê, thèm cá linh, tụi nó hỏi: “Bữa tụi con về, còn cá linh không cha?”. Chèn ơi, thèm ngặt ngặt không hà, lấy đâu ra! Tôi kêu: “Quê mình thiếu gì món ngon, về đi, cha đãi!”. Cả năm trời dịch bệnh, cha con, ông cháu chỉ í ới nhau qua điện thoại, ở ngoài mập ốm ra sao có biết đâu!”. Ông Nam tạm biệt tôi, chở nắng về trên chiếc xuồng trống. Niềm vui tháng Chạp đong đầy trong mắt, trên môi ông…
Ánh đèn trên sông Hậu
5 giờ sáng, đại úy Nguyễn Phước Tới (Phó Trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cùng tổ công tác đi tuần tra biên giới dọc theo dòng sông Hậu. Để tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp, anh mới đi giờ đó. Chứ thật ra, anh thường đi vào 2-3 giờ sáng, thời điểm dễ buồn ngủ và giấc ngủ sâu nhất. Lý do nằm ở chỗ, tội phạm, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép canh lúc này mà hoạt động. Họ thức, mình cũng thức. “Đồn quản lý đoạn biên giới dài hơn 15km, trong đó 12km chạy dọc sông (gần 10km sông Hậu và trên 2km sông Bình Di). Chỉ cần lực lượng mình sơ hở vài phút là đối tượng có thể bơi từ bên này qua bên kia biên giới. Anh em ở tổ, chốt không thể lơ là, nhất là ban đêm, rạng sáng” - Tới cho biết.
Chiếc vỏ lãi lầm lũi đi trong màn đêm. Thấy gì khả nghi hoặc khi gặp ghe, thuyền, những chiếc đèn pin mới được bật lên, sáng lóa. Đại úy Tới có cách tuần tra, quản lý tổ, chốt rất riêng. Đi tới tổ, chốt, anh nhấp nháy đèn pha. Nếu ngay tức khắc nhận lại tín hiệu tương tự, có nghĩa rằng, tổ, chốt trực nghiêm túc, luôn quan sát động tĩnh xung quanh, không lơ là nhiệm vụ. Ghé vào Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 16 (thị trấn Long Bình, huyện An Phú), tôi chuyển từ trạng thái lắc lư trên vỏ lãi sang lắc lư trên bè cá.
Bè cá lăng nha nằm cặp sông Hậu, được người dân hào phóng cho mượn làm nơi đóng chốt. Thi thoảng, họ tặng mớ cá cho bộ đội “cải thiện” bữa ăn. Trung úy Bùi Văn Dũng (sinh năm 1995, Chốt trưởng) là người bám trụ chốt từ đầu mùa dịch đến giờ, trong khi nhân sự thường xuyên thay đổi, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, quân sự nơi khác tăng cường về. Đoạn sông khá rộng, trống gió, phải mất cả tháng mới quen với cảnh ngày nóng đêm lạnh. Mùa mưa, gió thổi mạnh tứ bề, nước trên trời trút xuống, nước dưới sông dâng cao, chiếc bè dập dềnh khó ở. Thiếu nước sạch, họ lóng phèn xài tạm; giấc ngủ, miếng ăn cũng tạm bợ nhiều tháng liền.
Miền đất An Phú tặng cho trung úy Dũng và người vợ đáng yêu. Cưới nhau 2 năm, đứa con trai đã 1 tuổi, mà anh chưa có dịp đưa vợ về quê mình ở tỉnh Thanh Hóa. Bản thân anh cũng đón 5 cái Tết xa nhà. “Tết ở miền Nam không lạnh như ngoài Bắc. Bà con quý mến bộ đội, ghé lại gửi món nọ tặng món kia, chúng tôi cảm thấy rất vui. Vợ tôi nấu nồi thịt kho tàu thật ngon, để dành ăn mấy ngày Tết. Đây là món tôi thích nhất khi vào Nam” - anh cười tươi.
Ánh đèn vẫn quét đều đặn trên khúc sông Hậu do Chốt quản lý. Trên bè cá, đại úy Nguyễn Lê Chung (Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh), anh Thôi Thiện Đức (dân quân Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Long Bình) dõi mắt nhìn theo ánh đèn. Tháng Chạp, những người lính ấy gửi chút tình riêng về bờ, mong Tết năm sau, khi đã tròn trách nhiệm với Tổ quốc, họ được đoàn viên…
Bài, ảnh: VẠN LỘC