Dự báo các điểm nóng địa chính trị thế giới năm 2018

12/01/2018 - 08:32

Năm 2017, thế giới đã thực sự “nóng” và sôi động, bất kể đợt lạnh cuối năm ở châu Âu và Bắc Mỹ. Vậy tình hình toàn cầu năm 2018 sẽ ra sao?

1. Nội tình nước Mỹ và nguy cơ nổ “bom” chính trị

Năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã có hàng loạt bổ nhiệm bất ngờ. Chính quyền cũng thi hành nhiều chính sách gây tranh cãi dữ dội về quyền phụ nữ và quyền người thiểu số, người nhập cư (nhất là người Hồi giáo) và về vấn đề môi trường (như quan điểm đối với Thỏa thuận khí hậu Paris).

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Nguồn ảnh: Power 102fm và Rantt.

Trong khi đó cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đến nay vẫn tiếp diễn nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ.

Liệu cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có đe dọa nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump? Nếu ông Mueller không phát hiện ra được điều gì đang kể, thì “vấn đề Nga” của ông Trump sẽ bắt đầu dịu đi. Nhưng nếu ông này phát hiện ra điều gì “nghiêm trọng” thì mọi thứ có thể sẽ thay đổi đột ngột, tạo thành một vụ “nổ bom” chính trị rúng động chính trường Mỹ.

Về đối ngoại, chính sách của Tổng thống Trump đối với nước Mexico láng giềng có thể tác động đến cuộc tổng tuyển cử Mexico vào giữa năm nay, dẫn tới sự ra đời ở quốc gia Mỹ Latin này một chính quyền cánh tả thách thức Mỹ và điều này có thể gây thêm cho ông Trump nhiều sức ép chỉ trích từ lực lượng đối lập.

2. Bầu cử Nga và khả năng tái đắc cử của Putin

Khả năng thắng cử của ông Vladimir Putin là khá cao, theo dự báo là trên 70%. Nhưng lần này ông đã “ngự trị” trong chính trường Nga tới 19 năm. Đó cũng là lý do ông ra tranh cử với tư cách ứng viên tự do để tạo không khí mới và tăng thêm cơ hội chiến thắng.

Lần này đã xuất hiện một số gương mặt mới thuộc phe đối lập có thể “chạy đua” với ông Putin , như nữ nhà báo xinh đẹp Ksenia Sobchak.

Tổng thống Nga Putin tại điện Kremlin (ảnh trên, nguồn ảnh: Sputnik) và thủ lĩnh phe đối lập Nga Navalny (ảnh dưới, hàng trước, thứ 3 từ trái sang, nguồn ảnh: Vox).

Có thể có nhiều động cơ đằng sau ý định tranh cử của Sobchak. Thứ nhất, cô thành thực muốn trở thành nữ Tổng thống Nga đầu tiên. Thứ hai, cô muốn đánh bóng tên tuổi của mình, xây dựng thương hiệu Sobchak (điều này dễ hiểu trong bối cảnh cô là một người của công chúng, làm việc trong lĩnh vực “showbiz” với thu nhập thuộc diện cao). Thứ ba, không loại trừ khả năng nữ nhà báo này trên thực tế vẫn là người ủng hộ ông Putin, được đưa vào cuộc chơi này nhằm thu hút bớt phiếu bầu khỏi rơi vào tay các đối thủ của ông Putin. Trong mọi tình huống, nhiều người tò mò một câu hỏi là cô sẽ giành được bao nhiêu phiếu nếu ra tranh cử?

Dư luận cũng sẽ đặc biệt quan tâm tới Alexei Navalny - nhân vật đối lập sừng sỏ của ông Putin. Liệu ông ta sẽ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình chống chính quyền và chống tham nhũng như vào năm 2017 không? Khi đã bị ngăn cấm ứng cử (với các lý do pháp lý), liệu Navalny có tung ra “đòn hiểm” bất ngờ nào nữa gây rúng động chính trường Nga?

Liệu ông ta sẽ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình chống chính quyền và chống tham nhũng như vào năm 2017 không? Khi đã bị ngăn cấm ứng cử (với các lý do pháp lý), liệu Navalny có tung ra “đòn hiểm” bất ngờ nào nữa gây rúng động chính trường Nga?

Ngoài ra còn có một câu hỏi nữa, ai sẽ làm Thủ tướng cho ông Putin.

Tất cả những ẩn số này làm cho bầu cử Nga 2018 sẽ sôi động và hấp dẫn.

3. Giấc mộng Trung Hoa “nhiệm kỳ” 2

Tháng 10/2017, tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng bí thư đảng này nhiệm kỳ thứ 2. Theo thông lệ, ông sẽ được Quốc hội Trung Quốc bầu lại làm Chủ tịch của quốc gia này vào tháng 3/2018. Sau đó, nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình dự kiến sẽ bổ nhiệm một loạt cán bộ chủ chốt trong bộ máy chính quyền nước này và đưa ra kế hoạch hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Foreign Policy.

Dự đoán năm 2018, ông Tập sẽ tiếp tục hướng tới việc gây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu và thực hiện tiếp “Giấc mộng Trung Hoa” trong pha 2, với dự án "Vành đai và Con đường" là trọng điểm số 1.

Tuy nhiên, Giấc mộng mà ông Tập vạch ra vẫn có nhiều thách thức lớn như tinh thần chống đối chính quyền trung ương bên trong đặc khu hành chính Hong Kong và nhất là yếu tố Đài Loan nhạy cảm.

Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua Đạo luật mới về quốc phòng, theo đó họ cho phép các chuyến viếng thăm lẫn nhau của tàu bè hải quân Mỹ và Đài Loan vào năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ có biện pháp quân sự để “giải phóng” Đài Loan nếu tàu hải quân Mỹ thực hiện viếng thăm hòn đảo này.

4. Vấn đề Triều Tiên chưa bao giờ nguội

Với cuộc đối thoại đầu tiên sau 2 năm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc (bắt đầu vào ngày 9/1), tình hình trên bán đảo Triều Tiên mới chỉ dịu mát đi một chút chứ chưa nguội lạnh. Việc dự đoán về nơi này vẫn luôn không dễ dàng chút nào.

Nhưng năm 2018 đã có một số thông số đầu vào. Triều Tiên trở nên tự tin hơn bao giờ hết về năng lực hạt nhân và tên lửa. Trên cơ sở này, họ bước vào đàm phán. Theo kết quả đối thoại 9/1, Triều Tiên đã nhất trí gửi đoàn thể thao dự Thế vận hội Mùa Đông ở Hàn Quốc vào tháng 2. Khi đoàn thể thao này chính thức dự Olympic ở Hàn Quốc, sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ nữa, có thể theo chiều hướng tích cực.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào ngày 29-11/2017. Ảnh: KCNA.

Mặc dù vậy Triều Tiên chưa có dấu hiệu lùi bước hoàn toàn trong vấn đề hạt nhân. Họ sẽ còn phải tiếp tục tăng sức công phá của bom hạt nhân để có thể thu nhỏ bom và gắn lên tên lửa đạn đạo, đồng thời nâng tiếp tính tin cậy của tên lửa đạn đạo.

Trước tính hình đó, Mỹ vẫn không loại trừ hoàn toàn khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên. Với cá tính không giống ai của Tổng thống Trump, chúng ta không thể nói chắc được về việc ông có bấm nút hành động quân sự hay không.

Trong khi đó cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều dè chừng về ý tưởng tấn công đơn phương của nước Mỹ. Hàn Quốc đã liên tục tuyên bố họ muốn ngăn chặn một hành động đánh phủ đầu như thế. Bởi sự trả đũa của Triều Tiên khi ấy sẽ rất tàn khốc, nhất là khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm sát Triều Tiên. Trên thực tế, Triều Tiên đã nắn gân Nhật Bản tới 2 lần trong năm 2017 bằng các vụ phóng tên lửa vọt qua không phận Nhật Bản.

Ngoài hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên còn được xem có năng lực mạnh về tin học. Nếu nhận định này là đúng thì Triều Tiên có thể đáp trả Mỹ bằng cách tác động từ xa vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật trọng yếu của Mỹ, với hậu quả khôn lường, không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả thế giới. Chiến tranh mạng và chiến tranh “nóng” nếu xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến không chỉ Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ mà còn toàn bộ khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Do đó Triều Tiên vẫn sẽ là một hồ sơ nóng hàng đầu của châu Á trong năm 2018.

5. “Thùng thuốc súng” Trung Đông vẫn nhiều mồi lửa

Năm 2017 chính quyền Tổng thống Mỹ đã mạnh bạo tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel – điều mà nhiều đồng minh “có gang có thép” của Mỹ cũng không dám làm. Và việc di chuyển Đại sứ quán sẽ diễn ra trong năm 2018. Khi mới tuyên bố như vậy, chính quyền Mỹ đã vấp phải sự phản đối trong gần như toàn thể thế giới Arab và cộng đồng Hồi giáo. Đã có nhiều cuộc biểu tình bạo lực và máu đã đổ. Một khi Mỹ chính thức di chuyển Đại sứ quán của họ tại đây, chắc chắn sẽ có nhiều điều khó lường nữa.

Chiến binh trong nội chiến Yemen. Ảnh: Newsweek.

Nhưng Trung Đông không chỉ có Palestine và Israel. Vẫn còn đó cuộc đấu vừa ngấm ngầm vừa công khai giữa Iran và Saudi Arabia – hai cường quốc hàng đầu của Trung Đông. Cuộc đối đầu này ngày càng quyết liệt, thể hiện sinh động trong cuộc chiến đẫm máu không khoan nhượng giữa các phe ở Yemen. Tình hình thêm phức tạp khi bản thân Iran thời gian qua cũng chấn động với hàng loạt vụ biểu tình chết người, vừa do nội tình nước này vừa do sự tác động từ bên ngoài. Trong quá trình tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS lụi tàn, vấn đề người Kurd lại nổi lên. Người Kurd có đóng góp quan trọng trong cuộc chiến chống IS và qua đó, họ đã gây dựng được ảnh hưởng của mình. Là một nạn nhân của chủ nghĩa thực dân phương Tây trước đây, người Kurd (bị xẻ ra 4 nước ở Trung Đông) luôn đau đáu về một quốc gia-dân tộc của riêng mình. Trên đà thắng lợi trong cuộc chiến IS, họ đã và đang đòi hỏi một vị thế chính trị cao hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhất là Iraq, nơi họ muốn thành lập một quốc gia độc lập. Yêu sách của người Kurd đặt ra nhiều vấn đề hóc búa về mặt pháp lý, đồng thời trực tiếp tạo ra thách thức cho an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của các nước nói trên.

Theo TRUNG HIẾU (VOV)