Dự báo điểm chuẩn các ngành khối A giảm 0,5 đến 1 điểm

19/07/2023 - 09:12

Nhiều chuyên gia dự báo mức điểm chuẩn xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 vào một số ngành học khối A00 (Toán, Lý, Hóa) năm nay sẽ giảm từ 0,5 đến 1.

Điểm chuẩn khối tự nhiên giảm

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét phổ điểm năm nay cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không biến động quá lớn. Nhờ vậy, không gây xáo trộn lớn với thí sinh và phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học.

Về điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, ông Đức dự báo dự báo một số ngành khối khoa học tự nhiên điểm sẽ giảm từ 0,5 đến 1 điểm.

Ông cũng phân tích phổ điểm năm nay để làm rõ sự biến động trong điểm thi giữa năm 2023 và 2022. Cụ thể, số lượng bài môn Toán đạt điểm 8 trở lên. Nếu như năm ngoái chiếm tỷ lệ 21% thì năm nay tỷ lệ môn Toán có sự điều chỉnh, sự phân hóa tốt hơn, chỉ chiếm hơn 15%.

Môn Vật lý, năm ngoái tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 22,74 %, năm nay, theo số liệu thống kê có 21,3%. Như vậy, về cơ bản phổ điểm môn Vật lý có thấp hơn, có sự phân hóa và thấp hơn so với năm ngoái, điểm giỏi cũng thấp hơn so với năm ngoái một chút.

Đặc biệt môn Hóa học, tỷ lệ điểm giỏi của năm ngoái là 27,8%, năm nay tỷ lệ điểm giỏi chỉ 22,6%.

Với tổ hợp A00, cả nước có 22 thí sinh đạt điểm từ 29 điểm trở lên (năm ngoái 47 em). Tiếp đến, 1.090 em đạt từ 27 điểm trở lên, trong khi đó mức điểm này ở năm ngoái là 1.988 em, giảm gần 2 lần. Đỉnh của tổ hợp A00 năm nay rơi vào ngưỡng 21,5 điểm, thấp hơn 1 điểm so với năm trước - đỉnh 22,5.

Với môn Lịch sử, năm nay đề thi điều chỉnh phù hợp. Năm ngoái tỷ lệ điểm giỏi, điểm 8 trở lên của môn Lịch sử là 18%, năm nay còn 13%. Điều này cho thấy, đề thi phù hợp với trình độ của thí sinh cũng như chương trình THPT. Năm 2021, tỷ lệ điểm 8 trở lên chỉ đạt 5,43 %.

Riêng môn Ngữ văn, nếu theo tỷ lệ thống kê điểm giỏi năm ngoái là 42% (tính từ điểm 7 trở lên) thì năm nay tỷ lệ này chiếm 46% - nhích hơn so với năm ngoái.

Với môn tiếng Anh, năm 2021 tỷ lệ điểm giỏi tiếng Anh gần 20%, năm 2022 - 11,9% và năm nay, tỷ lệ này chiếm 15,03%. Điều này cho thấy đề thi đã sự điều chỉnh rất phù hợp và về cơ bản giữ được sự ổn định.

Về môn Giáo dục Công dân, theo thống kê, năm ngoái số điểm giỏi chiếm 61,85 % còn năm nay chiếm 61%.

Như vậy, dù nhiều điểm 10 hơn năm ngoái nhưng thực tế thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn Giáo dục công dân lại giảm hơn năm ngoái và cơ bản ổn định ở mức 61%. "Tỷ lệ điểm giỏi ở các môn như vậy thể hiện được năng lực của các em, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân tốt hơn", ông nói.

Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã bám sát chương trình THPT. Đề thi có sự phân hóa rất tốt. Như môn Sinh học, môn Toán, môn Hóa học, môn Lịch sử phân hóa rõ rệt so với năm ngoái.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia này cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có sự điều chỉnh, phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn thi thuộc lĩnh vực STEM. "Đặc biệt, sự phân hóa, điều chỉnh trong đề thi năm nay tốt hơn so với năm ngoái", ông Đức nói.

Điểm khối A thấp nhất 4 năm qua

Theo phân tích phổ điểm khối A của TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Giao thông vận tải, tính từ năm 2020 đến nay, số thí sinh đạt điểm cao (từ 20,5 điểm trở lên) khối A (toán, lý, hóa) của năm 2023 là thấp nhất.

Nếu tính trong khoảng từ 15 đến 17,75 điểm trở lên, nguồn tuyển khối A tương đương năm ngoái, thấp hơn một chút so với năm 2021 và nhiều hơn hẳn so với năm 2020. Cụ thể, đạt từ mốc 17,75 điểm trở lên, năm nay có 273.705 thí sinh; trong khi đó năm ngoái là 274.867 thí sinh, năm 2021 là 292.090 thí sinh, năm 2020 là 252.505 thí sinh.

So sánh phổ điểm khối A các năm 2021, 2022, 2023 từ mốc 15 điểm trở lên

Nhưng từ mốc 20,50 điểm trở lên, phổ điểm năm nay bắt đầu võng xuống, với số lượng thí sinh đạt được các mốc điểm tương đương ít hơn hẳn 3 năm trước, kể cả so với năm 2020. Đặc biệt, từ mốc 22 điểm trở lên thì nguồn tuyển khối A năm nay giảm từ 11 - 16% so với các năm trước.

Đạt từ 22 điểm trở lên năm nay có 125.398 thí sinh, trong khi năm 2022 là 140.840 thí sinh (nhiều hơn năm 2023 là 11%); năm 2021 là 148.401 thí sinh (nhiều hơn 16%); năm 2020 là 142.900 thí sinh (nhiều hơn 14%).

Đặc biệt, từ mốc 24,5 điểm trở lên thì năm nay có 31.295 thí sinh, giảm 31% so với năm ngoái (45.185 thí sinh), giảm 26% so với năm kia (42.501 thí sinh), giảm 40% so với năm 2020 (52.246 thí sinh).

Cũng từ mốc này, càng lên mức điểm cao hơn, nguồn tuyển năm 2023 càng giảm so với các năm 2022 và 2020. Chẳng hạn, với mốc 27 điểm trở lên, số thí sinh năm nay là 2.061, chỉ bằng già nửa năm ngoái (3.887 thí sinh), bằng non nửa năm 2020 (4.730 thí sinh) và tương đương năm 2021 (2.040 thí sinh).

Phân hóa thí sinh rõ tệt

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng, phổ điểm năm nay ổn định so với hai năm trước. Đặc biệt, một số môn có sự cải thiện tốt hơn, như phổ điểm của môn Lịch sử năm nay, về hình dáng đẹp hơn so với hai năm trước. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học tính ổn định khá cao.

Nhiều thí sinh đạt điểm khá giỏi ở môn Giáo dục công dân là điều đáng mừng.

Về phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ GD&ĐT nên phân tích từng vùng, từng trường học. Trên cơ sở đó mới ra kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ.

Có thể nói rằng, kỳ thi đạt được mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT và là căn cứ cho các trường đại học tham khảo, xét tuyển vì có sự phân hóa tốt.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khá tích cực, vừa đảm bảo tính ổn định của kỳ thi, vừa có sự phân hóa. Đơn cử như môn Lịch sử, phổ điểm có phần sáng hơn. Đây là kết quả của quá trình cải tiến về cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá mới.

Với môn Giáo dục công dân, nhiều người lo lắng môn này điểm cao quá, nhưng đây là tín hiệu mừng, thể hiện mức độ dân trí của các học sinh đang tăng lên.

Hoặc như môn tiếng Anh, mức độ chênh lệch giữa các khu vực lớn. Kết quả thi năm nay đặt ra yêu cầu cần cải thiện thế nào cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau.

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một trong các kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại là kỳ thi tốt nghiệp THPT và hầu hết các trường đại học tin tưởng vào kết quả này để tuyển sinh. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dành hơn 70% chỉ tiêu để tuyển các em thí sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này để thấy được niềm tin đối với kỳ thi rất cao.

Số bài thi điểm 10 tăng gấp 3 lần

Tổng số bài thi đạt điểm 10 năm nay là hơn 16.400, tính riêng môn Giáo dục công dân 14.693 bài thi đạt điểm 10 (tăng 5 lần so với năm trước nhưng vẫn ít hơn so với năm 2021).

Tiếp đến là môn Lịch sử, năm nay 789 bài thi đạt điểm 10 - giảm hơn 2,25 lần so với năm trước. Số lượng bài thi đạt điểm 10 này dù tăng mạnh nhưng nếu so với năm 2021 thì vẫn kém khoảng hơn 8.000 bài thi.

Tổng số bài thi đạt điểm 10 qua các năm.

Theo VTC