Nơi các dòng sông “hò hẹn”
Rạch Ông Chưởng là nơi tiếp giáp sông Vàm Nao, là một phân lưu của sông Tiền, đưa một phần nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Rạch uốn khúc, chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, dài 23km. Rạch lấy nước sông Tiền ở đầu thị trấn Chợ Mới qua 6 xã: Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, xã Kiến An, Kiến Thành và Long Giang, rồi đổ nước vào sông Hậu tại đỉnh cua cong của cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), từ đó đã chia huyện Chợ Mới thành 2 khu vực. Trước đây, rạch Ông Chưởng được người xưa gọi là rạch Cây Sao bởi chảy cạnh bên cồn Cây Sao. Đến khi Khâm sai Chưởng binh lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến khai thác vùng đất này vào khoảng năm 1700 và có công dẹp yên Cao Miên, người dân nhớ công đức mà lập miếu thờ và đổi tên là rạch Ông Chưởng. Trong các ngày mùng 7, 8 và 9 tháng 5 (âm lịch), người dân Chợ Mới tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn ông và xem ông như bậc tiền hiền có công mở mang bờ cõi, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Một đoạn sông Ông Chưởng
Phiên chợ trên cù lao Ông Chưởng những ngày giáp Tết
Đất của người và nghề
Đứng trên cầu Ông Chưởng, có thể quan sát một phần rạch Ông Chưởng uốn mình, len lỏi vào từng thớ đất, mang dòng nước ngọt đầy ắp phù sa vào các kênh, rạch nhỏ hơn. Với đê bao khép kín, từ năm 2000 nông dân Chợ Mới đã làm lúa 3 vụ. Ngoài ra, còn có vùng đất Kiến An nổi tiếng trồng nhiều loại rau màu, không những cung cấp nhu cầu tại địa phương mà còn chuyển đi các vùng lân cận.
Men theo bờ sông Tiền, du khách có thể ghé thăm làng nghề mộc chợ Thủ nổi tiếng trên 100 năm, nơi có câu hát đã đi vào lòng người “Long Điền - Chợ Thủ quê anh/Trai chuyên làm tủ, gái sành cửi canh”. Nơi có người nghệ sĩ tài hoa Hồ Xuân Lai (còn gọi là Tư Chia) đã làm nên những bộ tủ, bàn, ghế độc đáo, sắc sảo với họa tiết rồng, phụng, hoa lá được đục đẽo bằng tay. Hiện tại, con gái thứ 4 của ông là bà Hồ Thị Tư nối nghiệp cha tiếp tục tặng cho đời những sản phẩm bằng gỗ độc đáo, lưu giữ hoa văn, nghệ thuật của người xưa trên các đình, chùa, miếu khắp từ Châu Đốc đến tận Cần Thơ.
Nếu đi từ trung tâm huyện Chợ Mới, cặp rạch Ông Chưởng, men theo Tỉnh lộ 946 sẽ đến ấp Long Tân (xã Long Điền B) - nơi nổi tiếng bao đời với nghề tranh kiếng. Chị Lê Thị Tám, chủ cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa suốt 40 năm nay vẫn vẽ tay bằng tranh. Chị Tám chia sẻ: “Mỗi khi cầm cọ, tôi mới thể hiện được ý tưởng của mình. Đó không chỉ là nghệ thuật, mà còn là những tình cảm thân thương đối với quê hương, đất nước, là sự tôn kính đạo hiếu, lễ nghĩa truyền thống ông bà đã để lại. Dù là tranh vẽ bằng tay hay tranh kéo lụa, chúng tôi mong muốn mang tâm tình của người dân cù lao Ông Chưởng đi khắp mọi miền đất nước”.
Vùng đất cù lao Ông Chưởng không chỉ nổi tiếng với những làng nghề, mà với sự cần cù, nông dân còn trồng các loại lúa, rau củ, cây ăn trái. Mô hình trồng dâu của người dân tại ấp Mỹ Thuận (thị trấn Mỹ Luông) vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là một địa điểm “check-in” cho giới trẻ có những giây phút “sống ảo” hấp dẫn. Những cánh đồng xanh mướt, ao sen dọc 2 bên tuyến Tỉnh lộ 944 (đường đi kênh Cựu Hội), tham quan vườn táo, vườn bưởi da xanh ruột hồng tại xã Hòa An. Cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ đã nối liền 2 bờ cù lao Ông Chưởng và cù lao Giêng, tạo điều kiện cho du khách ngắm nhìn toàn cảnh vùng sông nước, với những mảng màu xanh thẳm của lục bình trôi, thấp thoáng là những nhà bè nuôi cá trên sông.
Du xuân trên cù lao Ông Chưởng, khách tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, tìm hiểu về lịch sử mở mang vùng đất cù lao tại các đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh, ghé thăm chùa Tây An - nơi Đức Phật thầy Tây An từng lưu lại chữa bệnh cho người dân, thăm phủ thờ ông Ba để nghe những câu chuyện ly kỳ về ông Ba Thới, ghé thăm các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và ngắm cảnh vật, sông nước dọc các tuyến kênh, rạch. Để từ đó, cảm nhận sự đổi thay từng ngày trên vùng đất cù lao.
Sắc xuân về bên làng hoa vùng cù lao
Các tuyến đường trên cù lao Ông Chưởng đầy sắc màu cờ hoa rực rỡ
TRÚC PHA