Đưa dúi về nhà

18/03/2023 - 10:32

 - Ngày xưa, dúi ở rừng, là động vật hoang dã. Sau này, chúng được thuần hóa, lai giống, trở thành vật nuôi làm giàu của nhiều hộ dân. Không thuộc diện “khó nuôi”, nhưng chúng vẫn có nét “đỏng đảnh” rất riêng. Hiểu ý thì mới nuôi chúng lâu dài, mới nghĩ đến chuyện làm kinh tế từ dúi.

Mỗi con dúi được nuôi riêng biệt trong từng ô (gồm các viên gạch 50-60cm ghép lại). Chúng có thói quen… đứng thẳng, cào khí thế vào “vách”, thể hiện tâm trạng theo các thời điểm.

Chúng thích không gian nhỏ hẹp, hạn chế ánh sáng. Khi được nuôi trong nhà, chúng “an phận” trong từng ô, nhạy cảm với sự xuất hiện của con người và ánh sáng đột ngột.

Có nguồn gốc là động vật hoang dã, dúi khá nhanh nhẹn, hung dữ. 4 cây răng cửa sắc bén của chúng có thể cắn phá nhiều vật cứng. Bù lại, ngoại hình tròn vo, lông mềm dễ thương, tiếng kêu nhỏ nhẹ của chúng dễ tạo thiện cảm.

Những con dúi này là của anh Lê Hoài Trung (sinh năm 1999, ngụ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Khi còn là sinh viên đại học, anh tìm hiểu, đặt mua 5 cặp dúi về nuôi thử. Sau 3 năm chắt mót kinh nghiệm từ thành công lẫn thất bại, anh tự tin rằng mình hiểu chúng kha khá.

Anh chọn nuôi dúi má đào (ảnh, một loài dúi có xuất xứ từ Lào) và dúi móc lớn (xuất xứ Việt Nam). Theo anh, loài vật này rất thích hợp cho cán bộ, công nhân viên chức chọn nuôi để tăng thu nhập ngoài giờ làm, vì chúng không đòi hỏi túc trực chăm sóc suốt ngày.

Chúng chỉ ăn 1 bữa/ngày, thức ăn, gồm: Thân tre, thân cỏ voi, bắp, mía, khoai mì… Thi thoảng, anh Trung còn cho chúng ăn lá sung, lá ổi tăng cường hỗ trợ đường ruột.

Đặc biệt, dúi không cần uống nước, vì đã nhận đủ nước từ các loại thức ăn này. Dúi con được cho ăn tược tre (phần non của cây). Sau 45 ngày tuổi,  dúi con được tách ra khỏi dúi mẹ, bắt đầu quá trình trưởng thành.

Anh Trung quyết định chọn nuôi dúi, bởi loại động vật này có chất thải đặc biệt: Khô và không gây mùi hôi. Nhờ vậy, quá trình chăm sóc, vệ sinh nơi dúi ở khá nhẹ nhàng, hầu như không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

Để dúi sinh sản, người nuôi sẽ cho con đực và con cái bất kỳ “sống chung một phòng”. Sau vài ngày, nếu cảm thấy phù hợp, chúng chia sẻ tình cảm và không gian cùng nhau. Ngược lại, chúng tỏ thái độ ghét nhau thì người nuôi phải thay đổi “đối tượng” cho chúng ngay.

Một cặp dúi đang được ghép chung với nhau. Cách dễ nhất để bắt chúng là cứ nhanh tay chụp đuôi kéo lên. Còn chạm vào các bộ phận khác trên cơ thể thì chúng sẽ phản ứng lại, cắn vào tay người rất đau.

Ngoài việc ghép đôi, người nuôi còn phải áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên môn để dúi sinh sản. Mỗi chuồng dúi đều được đánh số, kèm theo ghi chú riêng dành cho những con đang có bầu.

Một dúi mẹ đang trong thai kỳ. Bình quân, mỗi con dúi trưởng thành sinh sản 3-4 lứa/năm, mang thai 60 ngày, sinh từ 2-5 con/lứa. Chúng sinh nở tự nhiên, không cần con người can thiệp như một số vật nuôi khác.

Con dúi bạch tạng này khá hiếm gặp, được anh Trung mua về nuôi giá 4 triệu đồng. Sống mấy năm tuổi, bắt đầu giai đoạn già nên “lão dúi” phản xạ chậm chạp dần, mặc kệ ai muốn ôm ấp, chọc phá cũng được.

Dúi thịt hiện có giá 700.000 đồng/kg, còn con giống 2-3 triệu đồng/cặp. Nuôi dúi mang đến cho chàng trai trẻ lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm, dù chỉ là nghề phụ. Mong ước lớn nhất của Trung là nhân rộng mô hình cho bà con cùng có thu nhập, cộng với đầu ra mạnh hơn nữa. Để rồi, dúi sẽ là vật nuôi quen thuộc, là món ăn đặc sản ở xứ mình…

VẠN LỘC