Xác định thế mạnh
Nhìn lại lịch sử phát triển của Tân Châu đạo, có thể khẳng định, vùng đất này có thương mại phát triển từ rất sớm. Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn hỗ trợ đưa lên ngôi báu. Trên đất Tầm Phong Long, Thế Tông năm thứ 19 cho lập đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc và đạo Đông Khẩu thuộc dinh Long Hồ, phủ Gia Định và địa giới hành chính của Tân Châu được hình thành từ đó. Trải qua nhiều lần tách nhập, đến năm 1870, Tân Châu trở thành quận.
Ngay khi quận được thành lập, nơi đây có một cái chợ lá được dựng lên đầu tiên trước chùa Ông. Năm 1895, chợ bị cháy rụi. Hai năm sau (năm 1897), chợ được tái thiết bằng ngói, nền đúc. Thời ấy, chợ mua bán rất sung túc. Đến năm 1962, qua 7 lần bị hỏa hoạn, người dân nơi đây xây dựng lại chợ ngày càng lớn và đẹp hơn, không thua kém chợ của một tỉnh nhỏ ở miền Nam.
Lúc ấy, chợ Tân Châu có đến 18 dãy phố, 502 sạp. Hàng hóa mua bán là nông sản và tơ lụa. Khi thương mại phát triển, ở Tân Châu thời ấy đã mọc lên nhiều nhà máy sản xuất tơ lụa, xay xát lúa gạo, nhà máy nước đá, trại cưa, lò gạch, lò đường…
Tân Châu phát triển thương mại từ rất sớm, đặc biệt là tập quán mua bán qua biên giới, bởi nơi đây có Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Từ đó đến nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ được xem là lợi thế, tiền đề để nhà nước đưa ra định hướng, tiếp tục tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển.
"Chúng tôi xác định, để lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển thì hạ tầng thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, thị xã tập trung phát triển hạ tầng thương mại như tập trung xây dựng chợ trung tâm, chợ xã khang trang, văn minh để tiểu thương có nơi mua bán ổn định, nguồn thu cho ngân sách tăng lên” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải thông tin.
Năm 1997, Trung tâm thương mại Tân Châu được xây dựng. Thời điểm đó, công trình này được xem là lớn nhất, đẹp nhất khu vực ĐBSCL, bởi được xây dựng trên diện tích gần 3ha, phân ra rất nhiều lô, sạp để tạo điều kiện cho nông dân mang nông sản đến trung tâm thương mại giao thương. Đến nay, ngoài trung tâm thương mại, thị xã có đến 9 chợ xã được xây dựng khang trang, giúp tiểu thương có nơi mua bán ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại - dịch vụ phát triển.
Kết nối hạ tầng
Năm 2022, kinh tế thị xã tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhiều nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, kế đó là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Để có được kết quả đó, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thị xã nhanh chóng đề ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương. Thương lái ở các nơi tập trung về TX. Tân Châu để thu mua lúa gạo, trái cây, rau màu, góp phần tiêu thụ nhanh chóng hàng hóa, nông sản do nông dân làm ra.
Đi đôi với đẩy mạnh lưu thông, phân phối, thị xã tập trung giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm trên địa bàn, tạo động lực phát triển. Đẩy mạnh quy hoạch sản xuất theo hướng: “Bán cái thị trường cần, không bán cái mình có”.
Các vùng sản xuất lúa không còn hiệu quả như vùng bờ bao Vĩnh Xương - Phú Lộc, diện tích 600ha, địa phương đã tổ chức họp dân, lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận để chuyển từ đất lúa, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, bưởi da xanh... Hiện, vùng đất này, nông dân đang thu hoạch xoài với giá cao nên rất phấn khởi.
Để kinh tế Tân Châu tiếp tục phát triển, ngoài việc xác định lợi thế, tiềm năng để mời gọi doanh nghiệp về đầu tư, thị xã còn tập trung phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thực hiện các công trình kết nối giao thông, như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2.131 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Sau khi công trình này hoàn thành, sẽ mở ra triển vọng rất lớn để kinh tế TX. Tân Châu tiếp tục phát triển. Cụ thể, thời gian vận chuyển nông sản từ TX. Tân Châu đi TP. Châu Đốc hoặc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL sẽ nhanh hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn, lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể.
“Cầu Châu Đốc khởi công xây dựng, nhân dân trong vùng rất phấn khởi. Tôi mong cho cầu sớm đưa vào sử dụng để thị xã có nhiều doanh nghiệp về đây đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho người dân”- ông Trần Văn Ơn (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.
“Để kinh tế Tân Châu tiếp tục phát triển, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, trong đó quyết tâm thực hiện thành công 4 nghị quyết chuyên đề và 5 chương trình hành động. để qua đó, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hoàn thành nâng cấp các con hẻm trên địa bàn, làm tiền đề đưa Tân Châu lên thành phố sau năm 2025” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ thông tin.
|
MINH HIỂN