Đưa pháp luật biên phòng vào cuộc sống

23/01/2024 - 03:25

 - Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua năm 2020, gồm 6 chương, 36 điều. Trong lịch sử lập pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đây là văn bản luật đầu tiên quy định một cách tổng thể chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Để luật thật sự đi vào đời sống, cần nhiều nỗ lực tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, sâu rộng.

Tuyên truyền pháp luật trong học sinh

Đẩy mạnh tuyên truyền

Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam thể chế quan điểm của Đảng về công tác biên phòng; tô thắm, “khắc họa” rõ nét nghệ thuật bảo vệ biên giới của cha ông trong một “bản văn pháp lý” về biên phòng thời kỳ mới - thời kỳ biên giới, lãnh thổ của các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của thách thức an ninh phi truyền thống. Việc giải quyết những thách thức đó phải trên cơ sở pháp luật.

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025”, kế hoạch thực hiện từng năm trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động bao gồm tổ chức hội nghị cấp tỉnh nhằm huấn luyện sâu hơn về Luật Biên phòng Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thực hiện... cho báo cáo viên cấp tỉnh, cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP tỉnh; phối hợp 5 huyện, thị xã, thành phố khu vực biên giới tập huấn sâu nội dung này.

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh An Giang hướng dẫn đồn biên phòng tham mưu cho xã, phường, thị trấn biên giới tiếp tục tập huấn, tuyên truyền rộng khắp địa bàn, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồn biên phòng bám sát kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tích cực nghiên cứu, biên soạn hệ thống nội dung cốt lõi của luật, tuyên truyền tập trung tại đơn vị, trụ sở UBND cấp xã khu vực biên giới. Thậm chí, các đơn vị triển khai tổ, đội công tác trực tiếp xuống nhà dân (đặc biệt hướng vào đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới).

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang, ngoài đề án về Luật Biên phòng Việt Nam, đơn vị tập trung triển khai đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, giai đoạn 2021 - 2027”; phối hợp địa phương phát huy hiệu quả hoạt động câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn biên giới. Việc tuyên truyền pháp luật trực quan thông qua 10.350 tờ gấp, áp-phích tuyên truyền pháp luật... Từ đó, giúp người dân nắm, tìm hiểu về pháp luật trong quá trình sinh hoạt, làm ăn tại địa phương và qua lại biên giới.

“Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”

Phần lớn diện tích xã biên giới An Nông (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) dùng để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ 40% đất do người dân địa phương canh tác, phần đông là người ngoài xã. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, khi mọi người làm thuê, mua bán nhỏ, ít có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Một thời gian dài trước đây, địa danh “Đường Sứ” ở kênh Vĩnh Tế (đi ngang xã An Nông) trở thành điểm nóng buôn lậu, là địa điểm được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu tập kết trước khi đưa vào sâu nội địa. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, biên giới được kiểm soát chặt, tình hình trên giảm nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện vài vụ vận chuyển buôn lậu nhỏ lẻ.

“Nắm rõ đặc thù này, chúng tôi thường xuyên phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, đoàn thể các cấp tổ chức họp dân, tuyên truyền quy định về quản lý, bảo vệ biên giới, vận động Nhân dân chấp hành tốt chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không tiếp tay cho tội phạm nói chung, buôn lậu nói riêng. Gần đây, chúng tôi trao tặng 1 tấn lúa giống cho nông dân canh tác lúa giáp biên giới. Họ vừa có điều kiện canh tác lúa, vừa hỗ trợ địa phương nắm tình hình, cảnh giác với các đối tượng vi phạm, người lạ mặt xuất hiện trên biên giới” - Chủ tịch UBND xã An Nông Tống Thành Giang thông tin.

Trong chuỗi hoạt động “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” vừa được tổ chức tại xã An Nông, chị Huỳnh Thị Bích Vân (Bí thư Chi đoàn ấp An Biên) cùng 100 người dân địa phương tham gia buổi tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản liên quan.

“Thời gian qua, chúng tôi tham gia tuyên truyền, vận động người dân tích cực phòng, chống tội phạm bằng cách đi đến từng nhà, mời họ về dự họp, tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng… Nhận thức của người dân phần nào chuyển biến, hiểu rõ hơn vai trò của mình ở khu vực biên giới, tiếp cận thường xuyên với quy định mới của pháp luật, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam”.

Sau 3 năm ra đời, Luật Biên phòng Việt Nam dần thấm sâu vào cuộc sống, thay đổi phần nào nhận thức của chính quyền địa phương, người dân. Họ đã hiểu rõ hơn: Công tác biên phòng không phải chỉ thuộc về BĐBP, mà có cả trách nhiệm bản thân. Mỗi người dân nơi biên giới được kỳ vọng trở thành “cột mốc sống”, chung tay xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, “nền biên phòng toàn dân”, “thế trận biên phòng toàn dân”.

Năm 2023, BĐBP tỉnh An Giang tổ chức hơn 850 buổi tuyên truyền, vận động gần 43.000 lượt người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là Luật Biên phòng Việt Nam, tình hình phân giới cắm mốc, an ninh trật tự trên tuyến biên giới, chống xuất, nhập cảnh trái phép…

GIA KHÁNH