Đưa trí tuệ Việt ra thế giới

16/10/2023 - 08:29

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có thể xuất khẩu máy bay không người lái (drone) sang Mỹ, Real-time Robotics (RtR) có tham vọng trở thành trung tâm sản xuất drone hàng đầu thế giới

Ngày 25-9 vừa qua, chiếc máy bay không người lái (drone) của Việt Nam mang tên Hera đã hoàn thành chuyến bay thực chứng trong việc cứu hộ cứu nạn trên bầu trời xứ Bavaria ở Đức và giành được sự thán phục của đông đảo đại diện các công ty công nghệ và giới chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng và kinh doanh liên quan.

Phát minh vượt trội

Chuyến bay được phối hợp thực hiện bởi Công ty Real-time Robotics (RtR), nhà chế tạo drone Hera và Công ty Protrack, một doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Israel về các phần mềm định vị và phân tích video thông minh. Mục tiêu của chuyến bay là chứng minh các thông số, tính năng được công bố của Hera và Protrack là đạt được trong điều kiện thực tế, chứ không chỉ đạt trong điều kiện lý tưởng của phòng thí nghiệm.

TS Lương Việt Quốc, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc (CEO) RtR, cho biết Hera là drone duy nhất trên thế giới có thiết kế nhỏ gọn, vừa vặn để mang trong ba lô cá nhân nhưng nâng được 15 kg và cũng đủ không gian mang cùng lúc 4 tải (thiết bị), đã được kết hợp với phần mềm Protrack có khả năng tự động dò tìm và định vị chính xác khói, đám cháy, người bị nạn, thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân, đồng thời bảo đảm sự minh bạch và an ninh dữ liệu. Quan trọng nhất, đây là sản phẩm của trí tuệ Việt 100%: do đội ngũ kỹ sư của RtR thiết kế, chế tạo từ thân vỏ, cánh tay, các cơ cấu để khóa, bo mạch, phần mềm điều khiển...

"Hera là sản phẩm do Việt Nam tự phát minh, thiết kế và chế tạo với những tính năng vượt trội một lần nữa được chứng minh hoàn toàn có thể bước ra thế giới, giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ các chuyên gia drone của Đức và Israel. Sự kết hợp giữa Protrack với Hera có tính cạnh tranh và khả năng thành công về thương mại cao nhất" - TS Lương Việt Quốc tự hào.

TS Lương Việt Quốc

Chuyến bay thực chứng ở Đức nói trên là một trong những hoạt động của RtR nhằm quảng bá, mở rộng thị trường đến các cường quốc công nghệ ở châu Âu trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, công ty đã xuất khẩu lô hàng trị giá nửa triệu USD sang Mỹ theo đơn đặt hàng từ RMUS - nhà phân phối drone lớn tại Mỹ. Với những tính năng vượt trội, drone Hera được nhà nhập khẩu chào bán 25.000 - 30.000 USD/chiếc (chưa kèm các tính năng phụ), cao hơn 20%-30% so với sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và châu Âu.

Được thành lập năm 2017, RtR là DN đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép sản xuất máy bay không người lái. Bằng sự nỗ lực của mình, đến nay, RtR đã phát triển được đội ngũ gần 60 kỹ sư toàn người Việt, có thể chịu trách nhiệm tất cả các khâu để tạo nên drone.

Trước khi dòng sản phẩm drone HERA được nghiên cứu sản xuất thành công, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất vài trăm đến 1.000 drone cũng từ 100% chất xám, công nghệ Việt. "Công ty đang xây dựng đội ngũ sản xuất, sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt khi đã có đơn hàng. Theo kế hoạch, năm 2024, nhà máy sản xuất của RtR ở Khu Công nghệ cao TP HCM sẽ khởi công xây dựng để nâng công suất sản xuất lên gấp 10 - 20 lần. Đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, năng suất sản xuất 2.000 - 5.000 drone/năm; đến 2026 sẽ hoàn thành giai đoạn 2, có thể sản xuất 5.000 - 10.000 drone/năm. "Khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm" - ông Quốc tính toán.

Hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái drone

Tháng 8-2023, RtR đã được Úc cấp bằng sáng chế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu cho drone Hera. RtR cũng đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho sản phẩm khung chống rung cho camera nhãn hiệu OmniSight Gimbal. "Đây là phát minh quan trọng thứ 2 của công ty, đã được giới thiệu tại 1 triển lãm về công nghệ ở Mỹ. Ngoài ra, công ty còn 3 sáng chế khác đã nộp hồ sơ nhưng chưa công bố" - TS Lương Việt Quốc cho biết.

Ông tiết lộ tất cả phát minh của RtR đều xoay quanh hệ sinh thái drone. Với đội ngũ của mình, RtR tự tin sẽ có thể sản xuất tất cả phần mềm cũng như bộ phận liên quan đến drone. Mục tiêu trong vòng 1 năm nữa, RtR sẽ hoàn thiện hệ sinh thái này.

Máy bay không người lái Hera trong một cuộc triển lãm quốc tế Ảnh: CÔNG TY CUNG CẤP

"RtR chọn đầu tư vào phát minh và tin rằng người Việt cũng có thể phát minh ra nhiều sản phẩm không thua kém thế giới. Con đường này khó và nhiều rủi ro bởi không ai có thể khẳng định đầu tư bao nhiêu tiền, thời gian bao lâu thì ý tưởng sẽ trở thành phát minh. Bản thân RtR đã phải trải qua nhiều khó khăn, từng vài lần suýt phá sản công ty" - CEO Lương Việt Quốc bộc bạch.

Ông dẫn chứng, trong 9 năm qua, 3 năm đầu RtR chỉ học việc, 3 năm kế đuổi kịp thế giới; sau khi tích lũy thì mới có phát minh đột phá để vượt lên trên thế giới. Suốt quá trình đó cũng có lúc cạn tiền nhưng phát minh chưa ra, DN phải đối diện với câu hỏi có tiếp tục hay không. "Không có công thức chung cho tất cả startup, vấn đề là DN phải dựa vào điều kiện cụ thể, tùy vào hoàn cảnh, năng lực đội ngũ của DN mình để ra quyết định" - ông Quốc nhấn mạnh.

Cần chính sách hỗ trợ

Nhìn rộng ra phạm vi quốc gia, ông Quốc cho hay tính đến thời điểm hiện tại, ngoài RtR có drone Hera, các DN công nghệ Việt Nam hầu như không có sản phẩm cạnh tranh ở tầm thế giới. Câu chuyện thành công của Hera chứng minh rằng người Việt hoàn toàn đủ khả năng sáng tạo, phát minh, thiết kế, và chế tạo ra sản phẩm phức tạp, có hàm lượng công nghệ cao với giá thành thấp hơn thế giới. Vấn đề là làm sao cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để ngày càng có nhiều DN công nghệ Việt Nam sáng tạo ra được các sản phẩm đứng đầu thế giới như Hera.

"Có 2 cách hỗ trợ startup công nghệ đầu tư phát minh, sáng chế. Cách thứ nhất là hỗ trợ kiểm soát đầu vào, hỗ trợ kinh phí cho DN làm phát minh, sáng chế. Cách thứ 2 là chọn hỗ trợ khi các phát minh, sáng chế đã được công nhận. Có thể hỗ trợ 1 phần kinh phí, miễn, giảm thuế, hỗ trợ mặt bằng cho DN xây nhà máy sản xuất... Để làm được điều đó, từ cấp độ vĩ mô, cần xác định phát minh sáng chế là đích đến, từ đó có cơ chế đặc thù khuyến khích cho DN làm sáng tạo" - TS Quốc gợi ý

Theo Người lao động