Cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt đối với người cách ly. Ảnh: TTXVN
Trong vài ngày qua, câu chuyện về một nhóm người nước ngoài về Việt Nam tránh dịch to tiếng ở sân bay Nội Bài đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Đương nhiên, tất cả đều chung quan điểm phán đối cách ứng xử của nhóm người này.
Dịch bệnh đã bùng phát từ hơn 3 tháng qua. Trong giai đoạn 1 của cuộc chiến chống dịch, Chính phủ, người dân Việt Nam căng sức với nhiều giải pháp quyết liệt và về cơ bản, đã khống chế được dịch bệnh.
Nhưng cuộc chiến đã bước sang một giai đoạn khác, khi dịch bệnh lan sang các nước châu Âu. Vốn được coi là những nước phát triển và có nền y tế ở trình độ cao, nhiều nước châu Âu cũng như Mỹ bất ngờ vẫn để dịch bệnh bùng phát mạnh. Và chính ở thời điểm đó, rất nhiều người Việt Nam đang sống, lao động, học tập ở nước ngoài đã quay trở về nước.
Mặc dù vẫn tiếp tục vận động, khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại, song Chính phủ Việt Nam vẫn tạo điều kiện để những người Việt trở về nước. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. "Đấy là nghĩa đồng bào”.
Và thực tế cũng đã cho thấy, trong những chuyến bay đưa người Việt về nước, có nhiều người đã nhiễm bệnh. Tổng số bệnh nhân ở Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, công tác phòng chống dịch bệnh đứng trước thách thức lớn hơn, nhiều tuyến phố khu vực phải phong tỏa. Áp lực về số lượng lớn người phải cách ly cũng gia tăng.
Phải chờ đợi lâu, mệt mỏi sau chuyến bay kéo dài, lo sợ bị lây nhiễm ngay tại sân bay..., tất cả những điều đó khiến một số người trở về không giữ nổi bình tĩnh và họ đã có những lời nói thiếu kiềm chế với những người làm nhiệm vụ tại sân bay.
Tất cả chỉ là câu chuyện gần như của riêng họ, cảm xúc của riêng họ và khó khăn của riêng họ. Nhưng, điều đó sẽ chẳng là gì nếu nhìn lại cả một quá trình hơn 100 ngày phòng chống dịch bệnh xuyên Tết và cả khoảng thời gian khó khăn trước mắt cần vượt qua của cả gần 100 triệu người Việt Nam. Hơn nữa, nếu chỉ cần một sơ suất, một hành động thiếu ý thức, những cố gắng nỗ lực của gần 100 triệu người sẽ trở thành vô nghĩa.
Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, khi virus lợi dụng khoảng cách gần gũi giữa con người để phát tán lây nhiễm thì cũng chính là lúc mỗi cá nhân cần xích lại trong tình đoàn kết chặt chẽ với cộng đồng cùng chung tay đối phó với virus.
Cũng trong chính đợt dịch này, dư luận cũng hơn một lần dành sự chú ý cho những cá nhân thiếu thận trọng, thậm chí là thiếu ý thức, gian dối dùng hai hộ chiếu để qua mặt cơ quan chức năng nhập cảnh mà không chịu cách ly, khai báo gian dối về lộ trình sau nhập cảnh... Hậu quả là những cá nhân này sau khi nhập cảnh mang theo mầm bệnh và lây nhiễm cho nhiều người, đẩy nhiều người khác vào hoàn cảnh phải cách ly.
Ngay cả tại các quốc gia phương Tây, giới chức cũng đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của những người “tự coi mình là anh hùng khi phá vỡ luật lệ”, coi đây là những hành động “ngu ngốc và là mối đe dọa cho chính mình". Thực tế, tình trạng bùng phát với tốc độ chóng mặt ở một số quốc gia đã cho thấy hậu quả của những hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù sẽ có những bất tiện như các thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng Phó Thủ tướng mong mọi người trở về nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác, chia sẻ.
Trong xã hội văn minh, tự do cá nhân được đề cao và mỗi người cần tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng trong sở thích, cá tính, xu hướng sống của các cá nhân. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mỗi cá nhân cũng cần phải ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, sống phù hợp với các quy phạm đạo đức và trong từng trường hợp cụ thể không xâm hại quyền và lợi ích người khác, của cả cộng đồng.
Phản ứng của nhóm du khách tại sân bay có thể chưa đến mức phải xử lý và cũng chưa gây hậu quả gì lớn. Nhưng đó là một ví dụ nhắc nhở mỗi người, rằng trong những hoàn cảnh đặc biệt mà cụ thể là dịch bệnh, hơn lúc nào hết mỗi cá nhân càng phải ý thức cao về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Sự hợp tác chia sẻ của những người được cách ly và của cả cộng đồng chính là sự động viên quý báu nhất cho tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Theo Chính Phủ