![Đừng để lễ chùa đầu năm thành mê tín](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250210/images/t5vd2.jpg)
Để đi lễ chùa thực sự mang lại sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng người đi lễ chùa vào dịp đầu năm tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều người đi chùa với tâm lý cầu may, cầu tài lộc, thậm chí là cầu danh vọng, mà quên mất mục đích chính của việc đi chùa là tìm kiếm sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn.
Một số hiện tượng mê tín dị đoan thường thấy khi đi lễ chùa đầu năm là xem bói, xin xăm. đây là những hành động không có căn cứ khoa học, thậm chí còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Điển hình như việc cúng sao giải hạn. Nhiều người tin rằng việc này giúp họ tránh được những điều xui xẻo trong năm mới. Tuy nhiên, đây là một hình thức mê tín dị đoan, không có tác dụng thực tế.
Khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết về Phật pháp của một bộ phận người dân. Nhiều người đi chùa chỉ vì thấy người khác đi, chứ không hiểu rõ ý nghĩa của việc đi chùa là gì. Song song đó, một số đối tượng xấu lợi dụng tâm lý lo sợ, bất an vì năm tuổi, năm gặp Thái Tuế… của người dân để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Là người tuổi tỵ, chị Phương Thảo (sinh năm 1989, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) được bạn bè khuyên nên đi chùa thường xuyên, nhất là cúng sao giải hạn trong dịp năm mới. Họ nói rằng, vận trình của người tuổi tỵ trong năm mới tương đối kém, có thể gặp vài khó khăn, thử thách lớn. Tình hình tài chính khá bấp bênh, dao động thăng trầm. “Thú thật, tôi cũng rất hoang mang, lo lắng. Nhưng thiết nghĩ, con đường mình đi do mình quyết định. Tốt hay xấu do việc mình làm mà nên. Nếu luôn hướng về điều tích cực và tốt đẹp thì bản thân sẽ không rơi vào bi quan, tiêu cực” - chị Phương Thảo tâm sự.
Giữa cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, lo toan, không gian thanh tịnh của chùa chiền, tiếng chuông ngân vang, mùi hương trầm dịu nhẹ giúp con người xua tan muộn phiền, lo âu, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Đầu năm còn là dịp để mọi người cầu mong điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Những lời nguyện ước chân thành, xuất phát từ tâm sẽ mang đến niềm tin, hy vọng vào năm mới an lành, hạnh phúc.
Đi lễ chùa đầu năm cũng là dịp để mọi người giao lưu, gặp gỡ, kết nối với nhau. Cùng nhau chia sẻ câu chuyện vui buồn, cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp là những khoảnh khắc đáng quý, giúp gắn kết cộng đồng. Cô Sữa (58 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi được hòa mình vào không gian thanh tịnh của chùa chiền. Đi chùa đầu năm không chỉ để cầu may mắn, mà còn để tìm hiểu thêm về Phật pháp, về những giá trị đạo đức tốt đẹp. Tôi mong muốn mình sẽ sống tốt hơn, tử tế hơn trong năm mới”.
Quả thật, đi lễ chùa đầu năm là một phong tục đẹp, cần được giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, tránh để việc đi lễ chùa trở thành hành động mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và xã hội. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc đi lễ chùa, giúp họ phân biệt được đâu là tín ngưỡng chân chính, đâu là mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Tổ chức tôn giáo cần phát huy vai trò của mình trong việc hướng dẫn người dân thực hành tín ngưỡng đúng đắn, tránh xa mê tín dị đoan. Quan trọng nhất, mỗi người cần tự nâng cao ý thức của mình, để việc đi lễ chùa thực sự mang lại sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn.
PHƯƠNG LAN