Dưới mái nhà xưa

15/04/2022 - 06:42

 - Lưu giữ trong những ngôi nhà xưa, sau lớp rêu phong cổ kính là câu chuyện về hành trình khai phá đất hoang, mở rộng diện tích ruộng lúa của thế hệ ông bà. Mồ hôi công sức biến vùng đất “rừng thiêng, nước độc” thành trù phú, sung túc, là thành quả để lại cho con cháu hôm nay. Đáng quý hơn cả, trong số những lưu dân ngày nào, có người trở thành trung nông, sở hữu nhiều ruộng đất, bạc tiền nhưng luôn có tâm thương người, giúp đời. Đạo đức, truyền thống tốt đẹp nối qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa ở làng xóm. Dòng họ Đặng ở xã Phú Hưng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một điển hình.

Các thế hệ trong dòng họ Đặng trải qua quá trình làm lụng, phát triển, rồi con cháu thành gia, lập thất… đều được ông bà chia đất, dựng nhà. Trong dòng họ đặc biệt có 4 căn nhà lâu đời, được cất liền kề, gồm nhà xây và nhà gỗ. Trong đó, nhà thờ tổ đã 100 năm, các căn còn lại từ 70-80 năm. Ở tuổi U.80 như ông Đặng Thành Nghề cũng không nắm rõ những chi tiết do ông bà kể lại, bởi khi đó ông mới là một đứa trẻ.

Ông lần dò theo ký ức kể lại, để cất ngôi nhà này, gia đình phải tìm thợ từ miền Bắc vào. Tường nhà rất dày, xây bằng gạch viên lớn và không có xi-măng. Trải qua những năm nước ngập, căn nhà vẫn nguyên vẹn, không ngập lún, hư hỏng… Gia đình ông thuộc hàng khá giả, nên trong nhà có nhiều tài sản quý, như: Xe ôtô, tủ thờ, các bộ bàn ghế bằng gỗ quý…

Ông Nghề dẫn chúng tôi tham quan nội thất, khẳng định qua nhiều năm ngôi nhà giữ nguyên kiến trúc, kiên cố và chưa qua trùng tu; chỉ thay ngói, lót gạch mới, sơn phết bên ngoài. Riêng những bức tranh xà cừ vẫn sáng bóng như mới, dù đã lâu đời nhưng đến dịp giỗ, Tết chỉ cần lau chùi sạch sẽ, không lo chuyện bị hư hoại. Ngoài ra, các nội thất là dàn võng, liễn xà cừ cũng rất giá trị, bảo quản cẩn thận đến nay.

Nhà tổ do ông Nghề đảm nhận gìn giữ, các căn nhà bên cạnh tuy không đặc sắc bằng, song cũng sở hữu nhiều vật dụng giá trị do ông bà để lại. Những năm qua, lễ giỗ của dòng họ được các bô lão thay nhau duy trì, chưa từng gián đoạn. Người lớn còn lập ra quỹ chung để dịp Tết lì xì cho hàng trăm con cháu tề tựu về nhận lộc.

Theo lời kể của các bô lão hiện nay, ông Đặng Văn Sĩ và bà Đặng Thị Huệ trên hành trình di cư từ tỉnh Đồng Tháp đến làng Hưng Nhơn (nay là xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) thì nài trâu bị đứt. Nghĩ đây là cái duyên để dừng chân lập nghiệp, ông bà dừng chân để định cư.

Bản tính chịu khó, siêng năng làm lụng, nên ông bà chăm lo khai hoang mở ruộng, sống cần kiệm, tích lũy được nhiều đất đai, dần dà có của ăn của để. Đổ bao công sức vất vả nên ông bà rất trân quý thành quả lao động, được con cháu truyền nhau qua những câu chuyện nhỏ.

“Mẹ tôi kể, ngày xưa cá mắm không thiếu, nhưng không vì chuyện đó mà ông bà ăn ở phung phí. Mỗi bữa ăn, đến chén nước mắm cũng phải lường từng muỗng. Trong chi tiêu, chuyện gì đáng xài thì mới chi tiền, nếu không, dù chỉ một đồng cũng không lãng phí” - ông Đặng Văn Bê (cháu đời thứ 4) kể.

Ấy vậy mà khi đối đãi với xã hội, ông bà lại rất rộng lòng, đem tâm từ thiện đặt lên trên hết. Hàng năm, vào mùa giáp hạt, ông bà đều mở kho lúa cho bà con nghèo đến mượn, đến vụ sau ai có thì trả chứ không đòi. Trong xóm, bất kể người nào gặp khó khăn, cần gì ông bà đều giúp. Năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo (1939), ông Sĩ và bà Huệ theo đạo, thực hiện phương châm “Tại gia cư sĩ, học Phật tu nhân”. Con cháu sau này noi theo đạo đức của ông bà, ăn ở hiền lành, siêng năng làm việc thiện.

Điển hình như ông Đặng Văn Ai tham gia vào Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo của xã, rồi đến Ban Trị sự Trung ương. Ông Đặng Văn Bê nối gót theo cha tham gia ban quản tự chùa Hưng Hòa, đồng thời là Trưởng ban Trị sự ở xã. Còn ông Đặng Thành Nghề làm Trưởng ban Quý tế đình thần Phú Hưng. Các ông góp của, góp sức, vận động bà con làm việc xã hội - từ thiện không ngưng nghỉ suốt những năm qua.

Ông Nghề lại dò thêm đoạn ký ức đáng nhớ, thuở trước, điều kiện còn rất nhiều khó khăn, gia đình họ Đặng đã bán bộ bàn ghế giá trị để lấy phần lớn số tiền cất cầu phục vụ cho bà con đi lại. Năm 2002, khi xã xây dựng nông thôn mới, ông Nghề ủng hộ tiền và huy động nhân dân cùng xây dựng cầu bê-tông thay cầu ván (do ông bà đã dựng trước đó) trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Những công trình cầu, đường khác trong xã, tuy không trực tiếp tham gia, anh em dòng họ Đặng đều đóng góp ủng hộ để thực hiện. Năm 2006, dòng họ Đặng thành lập thêm quỹ khuyến học, nguồn đóng góp bởi một số chú, bác tâm huyết duy trì hàng năm.

Đầu năm học mới, quỹ khuyến học khen thưởng con cháu học hành đạt thành tích tốt. Ngoài ra, còn trao học bổng, tặng học phẩm cho học sinh (ngoài dòng họ) có tinh thần vượt khó học tập ở các trường học trên địa bàn huyện Phú Tân. Con cháu dòng họ Đặng đến nay được chăm lo ăn học, thành đạt với nhiều công việc khác nhau trong xã hội.

Tháng 5/2022, dòng họ Đặng sẽ tổ chức kỷ niệm ngôi nhà tổ tròn 100 năm. Nhân dịp này, các vị cao niên đều chung mong muốn duy nhất là con cháu được tìm hiểu về lịch sử, đời sống, đạo đức ông bà để lại. Biết rõ cội nguồn, thế hệ sau sẽ theo đó mà noi gương học hỏi và phát huy các giá trị tốt đẹp hơn.

 

MỸ HẠNH