Trong đường dây này, nhóm đối tượng người Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa là một phần của tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia liên quan đến các nước Philippines, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Tổng số có gần 300 đối tượng làm đại lý, lôi kéo hàng nghìn người tham gia đánh bạc.
Lần theo manh mối
Vụ án bắt nguồn từ thông tin Công an tỉnh Quảng Ninh chuyển đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về nhóm đối tượng người nước ngoài, nhập cảnh vào Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế. Cụ thể, nhóm đối tượng lưu trú tại các khu biệt thự, căn hộ liền kề và chung cư cao cấp... mà chỉ những người có điều kiện về kinh tế mới có tiền thuê. Giá của mỗi căn hộ dao động từ 1.500 đến 2.000 USD/tháng. Các đối tượng ít ra ngoài, mọi sinh hoạt đều ở trong những căn biệt thự sang trọng.
Một dấu hiệu bất minh khác là các đối tượng đăng ký đường truyền Internet với tốc độ cao và sử dụng nhiều trang thiết bị như máy tính xách tay, điện thoại di động thông minh để kết nối Internet... Song vào thời điểm đó, Công an tỉnh Quảng Ninh chưa định hình được hoạt động của nhóm đối tượng này nên đã có văn bản chuyển đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đề nghị phối hợp, xác minh thông tin.
“Kể từ thời điểm nhận thông tin về nhóm đối tượng nghi vấn cho đến lúc phá án thành công, ròng rã gần nửa năm, công sức của cán bộ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vi nghiệp vụ, trong đó có Công an tỉnh Quảng Ninh bỏ ra không thể kể hết. Trong vụ án này, các đối tượng đăng ký lưu trú ở một địa chỉ nhưng lại sinh sống tại một địa điểm khác, đăng ký một vài người nhưng thực tế lại lưu trú nhiều người.
Các đối tượng trong đường dây đánh bạc xuyên quốc gia.
Và để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an Việt Nam, đối tượng đứng ra thuê nhà đều là những kẻ không có tên tuổi”, Thượng tá Hoàng Xuân Phóng, Trưởng Phòng 5, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao nhớ lại.
Quá trình áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và sau một thời gian theo dõi, Phòng Phòng chống tội phạm trên không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội (Phòng 5) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện những dấu hiệu ban đầu về việc các đối tượng sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao truy cập các trang đánh bạc.
Ban đầu, họ phát hiện ra 1 tụ điểm, sau đó 2 rồi 4, 5 và 9 tụ điểm. Trong quá trình này, hai đơn vị nghiệp vụ đồng thời phát hiện nhóm đối tượng người Trung Quốc thường xuyên di chuyển qua lại giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Đà Nẵng, nghi vấn có hoạt động tổ chức đánh bạc quy mô lớn.
Để tập trung lực lượng đấu tranh, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Cục Đối ngoại để trao đổi thông tin với Công an Trung Quốc. Trong trường hợp bắt giữ, việc xử lý đối tượng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ trì xác lập chuyên án, phối hợp với Cục Đối ngoại, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an thành phố Đà Nẵng và Công an tỉnh Khánh Hòa, tập trung lực lượng, biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ hành vi vi phạm của các nhóm đối tượng này.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Công an Trung Quốc. Nội dung trao đổi gồm tên, hộ chiếu, ngày tháng năm sinh và các trang web, các đối tượng thường xuyên truy cập..., các thông tin này do Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thu thập được, chuyển cho phía Công an Trung Quốc phối hợp xác minh.
Cùng thời gian này, số đối tượng người Trung Quốc ở Quảng Ninh bắt đầu di chuyển vào TP Nha Trang (Khánh Hòa). Một câu hỏi đặt ra cho các cán bộ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Quảng Ninh là nhóm đối tượng ở Quảng Ninh có mối liên hệ nào với các đối tượng ở Khánh Hòa? Cùng thời điểm này, phía Bộ Công an Trung Quốc đã cử một tổ công tác sang làm việc với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thông qua Cục Đối ngoại, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Công an Trung Quốc phối hợp trao đổi rất nhiều thông tin liên quan đến tổ chức tội phạm hoạt động xuyên quốc gia trên.
Hợp tác quốc tế, phát hiện thông tin quan trọng
Quá trình xác minh chuyên án, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc xác định: Nhóm đối tượng người Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa thuộc tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia liên quan đến các nước Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Việt Nam với tổng số đại lý lên đến gần 300 đối tượng, lôi kéo hàng trăm nghìn người, đa phần là người Trung Quốc tham gia đánh bạc.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đồng thời lên danh sách 16-18 đối tượng trong ổ nhóm. Qua thông tin trao đổi của Công an Trung Quốc xác định có 2/16 là đối tượng chính, cầm đầu đường dây đánh bạc trên lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng là hai anh em ruột trong một gia đình gồm Hai-Gang (sinh năm 1978) và Hai-Liang (sinh năm 1982).
Nhóm tại Việt Nam có nhiệm vụ phát triển đại lý, tìm kiếm và lôi kéo các con bạc, đồng thời quảng bá cho đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Các con bạc tham gia đường dây đều là người Trung Quốc.
Lúc này, một câu hỏi đặt ra cho các thành viên ban chuyên án là nhóm đối tượng ở Đà Nẵng và Khánh Hòa có liên quan gì đến nhau không? Qua trao đổi, phía công an nước bạn xác định, các đối tượng ở Đà Nẵng và Khánh Hòa và Quảng Ninh đều nằm trong một đường dây đánh bạc. Công an Trung Quốc đồng thời cung cấp danh sách, tên, hộ chiếu và địa chỉ lưu trú của 20 đối tượng ở Đà Nẵng và 30 đối tượng ở Khánh Hòa, nghi vấn liên quan đến đường dây đánh bạc.
Sau khi có thông tin trên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trưởng ban chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, phối hợp với Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Khánh Hòa, xác minh thông tin về các đối tượng trong ổ nhóm.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: “Quá trình xác minh tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, tổ công tác của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao và công an các đơn vị, địa phương gặp không ít khó khăn. Đối tượng người nước ngoài không đăng ký lưu trú theo đúng cam kết, chủ các cơ sở lưu trú thì vì lợi nhuận đã bỏ qua các quy định về an ninh trật tự.
Trong khi đó, việc xác minh thông tin đòi hỏi phải đảm bảo yêu tố bí mật, tránh để các đối tượng “bứt dây động rừng”. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa và Đà Nẵng, trong đó có lực lượng quản lý xuất nhập cảnh và cảnh sát khu vực, bí mật nắm bắt thông tin về nhóm đối tượng người Trung Quốc... Việc thu thập thông tin như mò kim đáy bể bởi ở những địa bàn này hằng ngày có hàng nghìn khách nước ngoài, trong đó có cả Trung Quốc đến và đi.
Sau hơn 2 tháng, các thành viên của ban chuyên án đã xác định được 6 địa điểm ở Đà Nẵng (lúc đầu là 5 địa điểm), tại Nha Trang là 3 địa điểm... Qua thông tin của Công an Việt Nam, Công an Trung Quốc xác định các ổ nhóm này nằm trong một đường dây đánh bạc liên quan đến nhiều nước, Công an Trung Quốc đã giao cho Công an tỉnh Hồ Nam thụ lý hồ sơ vụ án, trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra, phối hợp với Công an Việt Nam xác minh thông tin, đấu tranh triệt phá.
Tang vật vụ án.
Từ tháng 12-2018 đến tháng 6-2019, danh sách các đối tượng nghi vấn đánh bạc ở Quảng Ninh luôn có sự biến động theo tuần. Trong khi đó, việc theo dõi trong thời gian dài tốn khá nhiều công sức. Cũng vì thế, ban chuyên án quyết định phá án vào lúc 9h sáng ngày 6-6.
Đồng loạt tấn công 18 điểm, bắt 77 đối tượng người nước ngoài
Ngày 4-6, một cuộc họp dưới sự chủ trì của trưởng ban chuyên án, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, có sự tham gia của công an các địa phương gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Tại cuộc họp này, các thành viên của ban chuyên án đã thống nhất thời gian, biện pháp và lực lượng tham gia. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bao an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sỹ tham gia phá án; sức khỏe và tính mạng của các đối tượng người Trung Quốc.
Vào ngày 5-6, sau khi họp ban chuyên án thì có một tình huống phát sinh. Nhóm đối tượng ở Quảng Ninh bắt đầu gói ghém đồ đạc chuyển đi nơi khác. Ngay lúc này, tổ công tác ở Quảng Ninh đã gấp rút tổ chức công tác trinh sát, nắm bắt di biến động của các đối tượng nghi vấn... Khoảng 24h, mũi công tác ở Quảng Ninh do Đại úy Vũ Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Phòng 5 chỉ đạo phát hiện thêm 4 điểm đánh bạc tại Quảng Ninh, nâng tổng số điểm tại địa bàn lên là 9.
Đúng 9h ngày 6-6, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Đối ngoại, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Đà Nẵng, Công an tỉnh Khánh Hòa, huy động lực lượng gồm hàng trăm chiến sĩ công an đồng loạt phá án tại 18 địa điểm (Quảng Ninh 9 địa điểm, TP Đà Nẵng 6 địa điểm, Khánh Hòa 3 địa điểm).
Tiến hành kiểm tra 18 địa điểm, phát hiện 77 đối tượng Trung Quốc (63 nam, 14 nữ). Kết quả kiểm tra hành chính, các tổ công tác đã thu giữ 255 điện thoại thông minh; 88 máy tính, máy tính bảng; 171 thẻ ngân hàng, tiền mặt và các đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc.
Chia sẻ với chúng tôi về những phút giây căng thẳng phá án, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Nếu không bắt giữ đồng loạt, đối tượng sẽ bỏ trốn hoặc tìm cách tiêu hủy chứng cứ. Khó khăn lớn nhất là huy động lượng quân lớn nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối bí mật. Để đảm bảo phá án thành công, các lực lượng gồm trinh sát, điều tra viên, xuất nhập cảnh và kỹ thuật hình sự đã cùng lúc vào cuộc.
Quá trình điều tra bước đầu xác định đây là tổ chức đánh bạc trực tuyến xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay mà Công an Việt Nam và Trung Quốc từng đấu tranh. Tổ chức này chia làm 4 cấp. Cấp 1, nhóm phát triển ứng dụng đánh bạc mô phỏng casino (platform chơi trên nền tảng di động và trình duyệt web), nhóm này hoạt động tại Philippnes. Cấp 2, các nhóm đại lý, thực hiện công việc mở rộng mạng lưới khách hàng, mua bán, phân phối ứng dụng chơi bạc.
Các nhóm này hoạt động tại Việt Nam và Thái Lan. Cấp 3, các nhóm thực hiện công việc thành lập các câu lạc bộ trực tuyến cho người chơi tham gia, đa phần con bạc là người Trung Quốc. Các nhóm này hoạt động tại Việt Nam, Thái Lan và cả Trung Quốc. Cấp 4, các con bạc tham gia chơi đa phần là người Trung Quốc.
Con bạc tham gia chơi thông qua đại lý cấp 2 và cấp 3 để nạp tiền và rút tiền chơi bạc. Tổng số tiền thu vào được chia tỷ lệ %: Cấp 1 nhận 5%, cấp 2 nhận 10% và cấp 3 nhận 85%. Bước đầu đấu tranh, các đối tượng khai nhận hành vi quản trị vận hành các ứng dụng cờ bạc trực tuyến gồm Reddragon, All In, HiTea, Hi Pocker, Potato Pocker, MTT, TT Poker...
Sau khi làm rõ được hành vi vi phạm của các đối tượng, xác định không có người Việt Nam tham gia hoạt động phạm tội, không có bị hại là người Việt Nam, ngày 7 và 8-6, Bộ Công an Việt Nam đã bàn giao 77 đối tượng người Trung Quốc cùng toàn bộ các phương tiện kỹ thuật, đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc cho Bộ Công an Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh để xử lý theo quy định.
Theo XUÂN MAI (Công An Nhân Dân)