EU nỗ lực củng cố hệ thống y tế

23/02/2021 - 10:09

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu, trong đó châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai, Liên hiệp châu Âu (EU) đang nỗ lực củng cố hệ thống y tế khu vực.

Khi làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ nhất bất ngờ càn quét châu Âu hồi đầu năm 2020, nhiều nước trong khu vực đã rơi vào tình trạng thiếu vật tư y tế nghiêm trọng. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, EU đã đưa ra những biện pháp khẩn cấp như miễn thuế đối với trang thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu, tăng cường sản xuất máy thở để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19… Tuy nhiên, đây chỉ được xem là các giải pháp tạm thời và EU không muốn lặp lại kịch bản hệ thống y tế bị động trước các tình huống khẩn cấp. Chủ tịch EC U.Lây-en nhấn mạnh, những kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cho thấy, EU cần xây dựng hệ thống y tế linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn trước các tình huống khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

EU hỗ trợ I-ta-li-a khẩu trang chống dịch Covid-19. Ảnh: CONSILIUM.EUROPA.EU

Để tăng cường khả năng ứng phó ở cấp độ khu vực, mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo mở rộng kho dự trữ y tế theo Cơ chế bảo vệ dân sự EU (rescEU) tại bốn nước Bỉ, Hà Lan, Xlô-vê-ni-a và Đức. RescEU được triển khai từ năm 2017, nhằm bảo đảm cung cấp thiết bị y tế cho các nước thành viên trong trường hợp cần thiết. Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng G.Lê-na-xíc nhận định, đại dịch Covid-19 tiếp tục là thách thức nghiêm trọng trong năm 2021 và trong bối cảnh đó, việc mở rộng kho dự trữ y tế đóng vai trò quan trọng giúp hệ thống y tế của EU vận hành tốt. Hiện có chín quốc gia tham gia lưu trữ kho thiết bị y tế chung của châu Âu.

Trước đó, EC cũng công bố kế hoạch tham vọng về thành lập Liên minh y tế châu Âu. Để đạt được mục tiêu này, các đề xuất về Liên minh y tế châu Âu tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý hiện hành liên quan các mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới đối với sức khỏe người dân, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó khủng hoảng của các cơ quan chủ chốt của EU, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Theo đó, EU có thể ban bố tình trạng khẩn cấp ở cấp độ châu Âu để kích hoạt các cơ chế ứng phó khẩn cấp. Cũng trong khuôn khổ các đề xuất mới, ECDC có thể huy động và triển khai lực lượng y tế chuyên trách để hỗ trợ các nước EU và giúp xây dựng mạng lưới các phòng thí nghiệm của EU. Trong khi đó, EMA sẽ bảo đảm nguồn cung thiết bị y tế và phối hợp giám sát tính hiệu quả và sự an toàn của các vắc-xin. 

Trong nỗ lực mới nhất nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Liên minh y tế châu Âu, mới đây, EC đã thông qua chiến lược dược phẩm cho châu Âu. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược là giúp EU giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu dược phẩm của khu vực, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng, thông qua các chuỗi cung ứng mạnh mẽ. 

Những bước đi nêu trên cho thấy, các nước EU đang xích lại gần nhau hơn để cùng chung  tay bảo vệ sức khỏe người dân. Những nỗ lực này đang được tiếp nối khi mới đây, trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU nhiệm kỳ sáu tháng đầu năm 2021, Bồ Đào Nha cam kết hỗ trợ thành lập Liên minh y tế châu Âu nhằm tăng cường năng lực ứng phó các cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

“Tất cả chúng ta ngồi chung trên một chiếc thuyền”. Đó là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-xen tại Hội nghị cấp cao EU diễn ra cuối năm 2020. Trên cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến chống dịch, EU đang giương cao ngọn cờ đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó các thách thức y tế trong tương lai.

Theo HỮU KHANH (Báo Nhân Dân)