Chính trường Ba Lan đang bị rung chuyển bởi các thông tin cho rằng lãnh sự quán nước này đã nhận hối lộ để cấp thị thực cho người châu Phi và châu Á, mở cửa cho người di cư vào EU. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters ngày 20/9, Ylva Johansson, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội bộ, đã viết một lá thư cho Chính phủ Ba Lan yêu cầu "làm rõ" về vụ bê bối hối lộ để lấy thị thực đang gây chấn động nước này.
Ủy viên của EU đã ấn định ngày 3/10 là hạn chót để trả lời "một bộ câu hỏi chi tiết". Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Ba Lan 12 ngày sau đó. Theo Ủy viên Johansson, hành vi của chính quyền Ba Lan có thể đồng nghĩa với việc "vi phạm luật pháp EU và đặc biệt là Luật Thị thực EU".
Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cũng cho biết: “Những cáo buộc này rất đáng lo ngại và làm nảy sinh những câu hỏi liên quan đến việc tuân thủ luật pháp EU”.
Người phát ngôn trên nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng chính quyền Ba Lan sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho Ủy ban châu Âu và điều tra những cáo buộc này”.
Bộ Ngoại giao Ba Lan và mạng lưới lãnh sự quán của nước này bị cáo buộc tiến hành một kế hoạch bất hợp pháp trên diện rộng, qua đó những người di cư từ châu Phi và châu Á phải trả những khoản tiền lớn để có được thị thực nhanh chóng.
Vì Ba Lan là thành viên của khu vực Schengen vốn miễn phí hộ chiếu, thị thực do nước này cấp sẽ cho phép người sở hữu tiếp cận miễn phí tới 27 quốc gia trên khắp châu Âu, bao gồm cả Thụy Sĩ và Iceland.
Đức, quốc gia giáp Ba Lan, cũng đã yêu cầu giải thích chính thức về vấn đề này. Cụ thể, Đức đã triệu tập Đại sứ Ba Lan tại Berlin và Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã điện đàm với người đồng cấp Ba Lan để thảo luận về vụ bê bối gây chấn động nền chính trị Ba Lan
Trong các cuộc thảo luận, Đức yêu cầu làm rõ khẩn cấp về số lượng thị thực có thể đã được cấp và quốc tịch của những người nhận và cũng muốn biết Chính phủ Ba Lan đang thực hiện những biện pháp đối phó nào, đồng thời triển khai thêm hàng trăm cảnh sát tới biên giới Đức-Ba Lan.
Chính trường Ba Lan đã chấn động trong nhiều tuần trước các thông tin cho biết cơ quan lãnh sự của nước này đã cấp khoảng 250.000 thị thực cho người di cư từ châu Á và châu Phi kể từ năm 2021 và nhận khoản hối lộ vài nghìn USD cho mỗi người. Việc nhận thị thực ở Ba Lan được coi là bước trung gian trước khi vào Mỹ, điểm đến mong muốn.
Vụ bê bối nổ ra đúng lúc đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đang tìm cách giành nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 15/10 tới, với lập trường cứng rắn hơn về nhập cư bất hợp pháp là một chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng này.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cuối tuần trước cho biết họ đã sa thải người đứng đầu cơ quan dịch vụ pháp lý và hủy bỏ tất cả các hợp đồng với những đơn vị xử lý đơn xin thị thực. Một ngày trước đó, 7 người đã bị buộc tội sau khi các quan chức chống tham nhũng điều tra vụ bê bối khám xét Bộ Ngoại giao Ba Lan và một thứ trưởng ngoại giao cũng bị cách chức.
Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)