Đồng tiền giấy Euro. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel ngày 1/1 bày tỏ ủng hộ việc sử dụng đồng euro làm tiền tệ của quốc gia Trung Âu này và cho rằng thời điểm đã chín muồi để thực hiện các bước đi cụ thể.
Phát biểu trong thông điệp năm mới, Tổng thống Pavel tuyên bố: "Sau nhiều năm, đã đến lúc Cộng hòa Séc bắt đầu thực hiện các bước đi cụ thể để thực hiện cam kết sử dụng đồng euro. Bất chấp những cuộc thảo luận bất tận về ưu, nhược điểm của đồng euro, đối với một quốc gia có nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu, nằm ở trung tâm châu Âu như Cộng hòa Séc, đồng tiền chung là tương lai hợp lý."
Cộng hòa Séc sẽ kỷ niệm 20 năm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2024. Hồi tháng 11/2023, Bộ Tài chính và Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Czech (CNB) từng đánh giá quốc gia này có thể đáp ứng một số tiêu chí theo Hiệp ước Maastricht để đưa vào sử dụng đồng euro trong năm 2024, tuy nhiên hai cơ quan này cũng khuyến nghị chính phủ không nên thực hiện bất kỳ bước đi nào để thúc đẩy điều này.
Theo CNB, nền kinh tế Cộng hòa Séc có cấu trúc không thật sự phù hợp cho việc sử dụng đồng euro, trong khi tình trạng tài chính công không khỏe mạnh hiện nay vốn làm hạn chế tính linh hoạt của chính sách tài khóa của nhà nước, sẽ càng trở nên suy yếu hơn nếu áp dụng đồng euro.
Trong khi đó, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Cộng hòa Séc, Martin Dvorak, mới đây lại bày tỏ hy vọng quốc gia của mình có thể gia nhập Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2028, đồng thời cho rằng việc Cộng hòa Séc tham gia một "cộng đồng lớn" với việc sử dụng đồng euro sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Để gia nhập Eurozone, một quốc gia phải đáp ứng được bốn tiêu chí của Hiệp ước Maastricht.
Thứ nhất là ổn định giá, theo đó tỉ lệ lạm phát quốc gia không được vượt quá mức lạm phát trung bình của ba quốc gia thuộc Eurozone có mức tăng thấp nhất hơn 1,5%.
Thứ hai là lãi suất dài hạn, theo đó lãi suất dài hạn không quá 2% so với mức trung bình của ba quốc gia Eurozone có lạm phát thấp nhất.
Thứ ba là về tài chính công, theo đó thâm hụt ngân sách tối đa ở mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mức nợ công tối đa 60% GDP.
Thứ tư là sự ổn định tỉ giá hối đoái, theo đó quốc gia này phải là thành viên trong hai năm của cơ chế tỉ giá hối đoái châu Âu (ERM II).
Hiện trong số 27 quốc gia thành viên EU, đã có 20 quốc gia sử dụng đồng euro làm tiền tệ chính thức, qua đó tạo thành khu vực Eurozone.
Thành viên mới nhất của Eurozone là Croatia, quốc gia đã gia nhập từ ngày 1/1/2023.
Theo Vietnamplus