Các bà mẹ đưa con bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tới khám tại một trung tâm dinh dưỡng của Hội chữ thập Đỏ ở Panthau, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn thông báo của FAO cho biết mặc dù tỷ lệ đói ăn tại Mỹ Latinh, khu vực có tổng cộng 650 triệu dân, đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn 0,9% so với năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng 6 triệu người bị thêm vào danh sách thiếu ăn so với cách đây 5 năm.
Khu vực Mesoamerica (gồm Mexico và các nước Trung Mỹ) có khoảng 9,1 triệu người đang bị thiếu ăn, chiếm 5,1% dân số; các đảo quốc thuộc khu vực Caribe có 7,2 triệu người, tăng 700.000 người so với năm ngoái. Haiti là quốc gia có nhiều người bị thiếu ăn nhất.
Ông Mario Lubetkin, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách Mỹ Latinh và Caribe, cho biết tình trạng thiếu ăn tại khu vực tiếp tục ở mức đáng báo động, trong khi các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ sở tại chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, khiến mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 ngày càng xa vời. Lý giải về thực trạng này, ông Lubetkin cho rằng trong thời gian qua, đa số các nền kinh Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa thể thoát khỏi những vấn đề mang tính trầm kha như sự bất bình đẳng thu nhập, nạn tham nhũng và năng lực quản trị kinh tế yếu kém. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng hứng chịu những tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp.
Trong khi đó, theo Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), trên quy mô toàn cầu, tỷ lệ thiếu ăn cũng đang trong tình trạng tương tự và có chiều hướng ngày tệ. Trong 2 năm qua, ngay cả trước thời điểm nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã có thêm 150 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh thiếu ăn trầm trọng.
Tổng Giám đốc IFAD Álvaro Lario cho biết hiện có khoảng 3 tỷ người trên thế giới khó tiếp cận với các loại thực phẩm lành mạnh, kể cả nông dân là những người trực tiếp sản xuất ra lương thực, thực phẩm. Ông Lario nói rõ biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch COVID-19 tiếp tục là những nguyên nhân chính khiến lương thực ngày càng khan hiếm hơn.
Theo TTXVN