G7 đối mặt thách thức trên nhiều 'mặt trận'

01/07/2022 - 14:01

Các nhà lãnh đạo G7 đã và đang phải đối mặt với một loạt các thách thức như xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu, lạm phát, lương thực và năng lượng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói chuyện với người đồng cấp Canada Justin Trudeau tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Politico.eu

Biến đổi khí hậu, vốn đang làm các sông băng tan chảy và định hình lại hành tinh, là ưu tiên hàng đầu của G7 trong nhiều năm. Nhưng với cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và chi phí năng lượng tăng vọt - các nhà lãnh đạo của các nền công nghiệp hóa hàng đầu thế giới một lần nữa lại bị chi phối bởi hàng loạt vấn đề cấp bách nhất thời. 

Khi họ kết thúc các cuộc thảo luận, các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới dường như thất bại trên hầu hết tất cả các mặt trận - bất lực trong việc ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine hoặc ngăn giá cả đang tăng ngoài tầm kiểm soát, không thể ngăn sông băng Zugspitze tan chảy, hoặc thậm chí là chấm dứt việc phong tỏa hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine cần thiết để cung cấp cho các nước đang phát triển. 

Mặc dù họ tuyên bố về mục đích chung chưa từng có trong việc giải quyết tất cả những thách thức này, nhưng các giải pháp mà họ tán thành trong một số trường hợp dường như mâu thuẫn, chẳng hạn như tìm cách hạ giá dầu và khí đốt trong khi đồng thời điều chỉnh lại mục tiêu của họ để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Họ muốn kết thúc xung đột ở Ukraine nhưng không tham chiến mà chỉ gửi viện trợ. Họ muốn thúc đẩy chủ nghĩa tư bản dựa trên quy tắc, nhưng đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả đối với năng lượng. 

David King, Chủ tịch Nhóm Cố vấn Khủng hoảng Khí hậu và là cựu cố vấn khoa học chính của Anh nhận định khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc: “Các quyết định hiện được đưa ra không giải quyết kịp thời vấn đề xung đột và làm trầm trọng thêm các thách thức của cuộc khủng hoảng khí hậu". 

Những thách thức nghiêm trọng và những lựa chọn khó khăn mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt đã nhấn mạnh mâu thuẫn cố hữu giữa các nhiệm vụ bầu cử ngắn hạn của chính họ, được thúc đẩy bởi những cử tri thiếu kiên nhẫn, những người liên tục đòi hỏi phải thấy được kết quả tức thì và nghĩa vụ đạo đức lâu dài. 

Năm ngoái, khi các nhà lãnh đạo G7 tập trung tại Vịnh Carbis, Anh, họ khó có thể lường trước rằng các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ bị chi phối bởi sự trở lại của cuộc xung đột quy mô lớn ở châu Âu. Trọng tâm của cuộc thảo luận khi đó là tác động từ đại dịch COVID và rộng hơn là biến đổi khí hậu và "mối đe dọa" đang gia tăng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng tại hội nghị lần này, trọng tâm chủ yếu là cuộc xung đột ở Ukraine. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã phủ bóng lên tất cả các cuộc thảo luận của họ với kết quả là các nhà lãnh đạo G7 đã công bố một gói hỗ trợ tài chính và quân sự mới, đồng thời cam kết tiếp tục giúp đỡ “trong điều kiện có thể”.

Nhưng bất chấp nỗ lực chung trong việc hỗ trợ Ukraine, có một số dấu hiệu đáng lo ngại về sự khác biệt trong quan điểm giữa các nguyên thủ G7 về cách đối phó với Moskva, khi văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố rằng đây không phải là lúc suy nghĩ về việc giải quyết xung đột trong cuộc gặp song phương của ông Johnson với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Mặc dù các vấn đề quân sự được thảo luận trực tiếp hơn tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, nơi tất cả thành viên G7 đều tham dự, không có dấu hiệu nào cho thấy các cường quốc phương Tây sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, chẳng hạn như áp đặt một khu vực cấm bay. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ thậm chí sẽ sử dụng tàu quân sự để có khả năng mở một hành lang cho ngũ cốc Ukraine bị mắc kẹt được vận chuyển đi khắp thế giới.

Các chuyến hàng ngũ cốc bị chặn là một trong số nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng cùng với vấn đề biến đổi khí hậu. Và việc G7 không có khả năng đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc phá vỡ sự bế tắc đó là một dấu hiệu cho sự thất bại nữa trong việc thúc đẩy quá nhiều mục tiêu chính sách lớn của họ.

Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)