Galaxy S10 sẽ dùng pin graphene, sạc nhanh gấp 5 lần

24/10/2018 - 09:07

Để sạc cùng một mức dung lượng pin, smartphone cũ dùng pin lithium-ion mất một giờ thì Galaxy S10 có thể chỉ cần 12 phút.

Galaxy S10 có thể là model đầu tiên dùng pin graphene của Samsung. 

Galaxy S10 có thể là model đầu tiên dùng pin graphene của Samsung. 

Tháng 11/2017, Samsung đã được cấp bằng sáng chế cho giải pháp pin dựa trên graphene cho mức sạc cao hơn 45% so với pin lithium-ion hiện tại. Theo Phonearena, sau nhiều thời gian phát triển, Samsung đã sẵn sàng sản xuất loại pin mới dành cho các thiết bị bán ra thị trường vào năm tới. 

Ngoài việc có dung lượng pin cao hơn trong cùng một kích thước, loại pin mới cũng cho khả năng sạc nhanh gấp 5 lần so với công nghệ pin phổ biến hiện tại. Các thí nghiệm cho thấy để sạc được cùng một mức dung lượng, pin lithinium-ion cần một giờ thì pin dùng graphene chỉ mất 12 phút. Dù tốc độ sạc nhanh hơn, pin graphene cũng có tuổi thọ lâu hơn, ít bị "chai" hơn so với pin lithium-ion. 

Trở ngại lớn nhất của pin graphene là giá thành cao nhưng các chuyên gia tin rằng với việc được sản xuất số lượng lớn bởi Samsung, con số này sẽ xuống mức hợp lý hơn. Dòng pin này cũng thân thiện hơn với môi trường và đặc biệt là rủi ro phát nổ thấp hơn nhiều so với pin lithium-ion cũ. Đây có thể là ưu điểm lớn khiến Samsung quyết tâm đầu tư cho pin graphene sau sự cố với Galaxy Note 7.

Samsung chưa đưa ra thông báo chính thức về pin graphene sẽ sử dụng cho smartphone nào. Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định Galaxy S10 đang là "ứng cử viên" sáng giá nhất. Nếu thực sự được tích hợp, S10 sẽ là model có khả năng sạc nhanh nhất, vượt qua cả Mate 20 Pro của Huawei với 70% dung lượng pin trong 30 phút. 

Graphene có cấu tạo dạng hình lục giác tuần hoàn. 

Graphene có cấu tạo dạng hình lục giác tuần hoàn. 

Graphene là mảnh vật chất mỏng nhất thế giới được cấu tạo từ các nguyên tử carbon liên kết với nhau theo dạng hình lục giác tuần hoàn. Đây cũng là chất liệu hai chiều đầu tiên từng được chế tạo. Ưu điểm lớn nhất của graphene ngoài kích thước là khả năng dẫn điện tốt với mức hao tổn năng lượng khi dòng điện chạy qua là rất thấp. Loại vật liệu này được hai nhà khoa học Andre Geim và Konstantin Novoselov tình cờ phát hiện và chế tạo. Năm 2011, hai ông đã nhận giải thưởng Nobel vật lý cho thành tựu này. 

Theo Vnexpress