Gần 18 triệu ca Covid-19 trên thế giới, WHO quan ngại về nguy cơ đại dịch kéo dài

02/08/2020 - 09:35

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ sáng 2-8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận xấp xỉ 18 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 11,3 triệu người đã hoàn toàn hồi phục và gần 688 người đã tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm Covid-19 tại Manila. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhóm họp để đánh giá tình hình đại dịch sau sáu tháng tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, WHO ngày 1-8 cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài.

Thông cáo của WHO cho biết, Ủy ban Khẩn cấp "nhấn mạnh khả năng đại dịch Covid-19 có thể kéo dài", đồng thời cảnh báo nguy cơ “phản ứng khó khăn” ở các nước dựa trên những sức ép kinh tế - xã hội. Ngoài ra, ủy ban này cũng đề nghị WHO đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về "chi tiết chưa rõ" liên quan đến virus SARS-CoV-2, thí dụ: nguồn gốc của virus có phải từ động vật hay có khả năng lây truyền qua động vật hay không. 

Trong cuộc họp kéo dài sáu tiếng tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Ông lưu ý: "Chỉ cách đây sáu tháng, khi được đề nghị về ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, có chưa tới 100 ca mắc bệnh và không có trường hợp thiệt mạng nào ngoài Trung Quốc. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới". 

Theo số liệu của Reuters, trong tháng 7-2020, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã tăng hơn 25 nghìn ca và số ca nhiễm tăng gấp đôi ở 19 bang của nước này. Mỹ ghi nhận 1,87 triệu ca nhiễm mới trong tháng 7, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 4,5 triệu ca, tăng 69%. Trong khi số ca tử vong trong tháng 7 tăng 20% lên gần 154 nghìn ca. 

Mức tăng cao nhất trong tháng 7 được ghi nhận ở Florida với hơn 310 nghìn ca nhiễm mới. Tiếp đến là bang California và Texas, với mỗi bang có thêm khoảng 260 nghìn ca. Ba bang này đều ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi trong tháng 6. Số ca nhiễm tăng hơn gấp đôi cũng được ghi nhận ở Alabama, Alaska, Arizone, Arkansas, Georgia, Hawaii, Idaho, Mississippi, Missouri, Montana, Nevada, Oklahoma, Oregon, Nam Carolina, Tennessee và Tây Virginia. 

Ngày 1-8, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez hối thúc người dân nước này ở nhà để ngăn dịchlây lan. Lời hối thúc được đưa ra trong bối cảnh cả số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 ở nước này đều đang có xu hướng tăng. Hiện, Argentina có 185.373 ca mắc và 3.441 ca tử vong do Covid-19. 

Phát biểu trên đài phát thanh El Destape, ông Fernandez cho biết, cứ sau 24 ngày, số người chết vì Covid-19 ở Argentina lại tăng gấp đôi và đây là thực tế không thể phớt lờ. Quy định cách ly, vốn được áp dụng từ ngày 20-3 và gần đây đã được gia hạn đến ngày 16-8, đã giúp nước này có thời gian chuẩn bị cho việc chữa trị lượng lớn bệnh nhân nhưng người dân vẫn cần tiếp tục đề phòng. Theo ông, “cách duy nhất để tránh bị nhiễm bệnh là hãy ở nhà” vì khi lưu lượng đi lại tăng, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng.

Tổng thống Fernandez cũng cho biết chính quyền đã xây dựng một bộ kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch và ông sẽ thảo luận với các thống đốc địa phương để kế hoạch này mang lại tác động tốt hơn cho từng vùng. Theo dự đoán của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), kinh tế Argentina có thể sụt giảm tới 10,5% trong năm nay do tác động của dịch bệnh.

Là vùng dịch lớn thứ hai tại khu vực Đông - Nam Á, Philippines vừa trải qua ba ngày liên tiếp ghi nhận kỷ lục về số ca bệnh. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua ra lệnh lực lượng chuyên trách phòng chống Covid-19 giải quyết những quan ngại của hơn một triệu bác sĩ, y tá về tình hình đại dịch.

80 nhóm đại diện 80 nghìn bác sĩ và một triệu y tá cho rằng Philippines đang thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ do số ca bệnh tăng vọt mà không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Những nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch kêu gọi Chính phủ Philippines khôi phục lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại các khu vực đông dân bên trong và chung quanh thủ đô Manila trong vòng hai tuần.

Ông Duterte đã chỉ thị một tổ công tác liên ngành lập tức hành động để giải quyết những quan ngại nêu trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho rằng, thủ đô Manila và các tỉnh lân cận không có đủ khả năng để thực hiện trở lại biện pháp phong tỏa.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết trong một thông cáo, chính phủ đang triển khai “biện pháp cân bằng khéo léo giữa sức khỏe của cộng đồng và nền kinh tế đất nước”. Trung tuần tháng 3 vừa qua, ông Duterte đã ban bố một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài nhất trên thế giới tại Manila và các tỉnh khác để khống chế Covid-19. Song, nhằm khôi phục nền kinh tế, các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng từ tháng 6 vừa qua.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt quá 500 nghìn. Tính đến hết ngày hôm qua, Nam Phi đã ghi nhận 503.290 ca mắc, trong đó có 8.153 ca tử vong. So với một ngày trước đó, Nam Phi có thêm 10.107 ca mắc mới và 148 ca tử vong. Đến nay, nước này đã chữa khỏi bệnh cho 342.461 người và vẫn còn 152.676 ca bệnh đang phải điều trị.

Với hơn nửa triệu người mắc Covid-19, Nam Phi hiện đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu châu Phi về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này chiếm xấp xỉ 71% số ca mắc mới ở châu Phi và gần 5% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 2-8:

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 4.764.305 ca mắc, 157.898 ca tử vong
2. Brazil: 2.708.876 ca mắc, 93.616 ca tử vong
3. Ấn Độ: 1.751.919 ca mắc, 37.403 ca tử vong
4. Nga: 845.443 ca mắc, 14.058 ca tử vong
5. Nam Phi: 503.290 ca mắc, 8.153 ca tử vong
6. Mexico: 424.637 ca mắc, 46.688 ca tử vong
7. Peru: 414.735 ca mắc, 19.217 ca tử vong
8. Chile: 357.658 ca mắc, 9.533 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 335.602 ca mắc, 28.445 ca tử vong
10. Iran: 306.752 ca mắc, 16.982 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 109.936 ca mắc, 5.193 ca tử vong
2. Philippines: 98.232 ca mắc, 2.039 ca tử vong
3. Singapore: 52.512 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 8.985 ca mắc, 125 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.312 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 590 ca mắc, 03 ca tử vong
7. Myanmar: 353 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Campuchia: 239 ca mắc
9. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 20 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 5.588.733 ca mắc, 220.528 ca tử vong
2. Châu Á: 4.374.097 ca mắc, 98.077 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 4.182.411 ca mắc, 145.345 ca tử vong
4. Châu Âu: 2.885.567 ca mắc, 203.598 ca tử vong
5. Châu Phi: 948.687 ca mắc, 20.018 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 19.046 ca mắc, 226 ca tử vong

Theo H.H (Báo Nhân Dân)