Sông Po ở Boretto, đông bắc Parma, Italy, khô cạn do hạn hán ngày 15/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo EC, hiện 44% diện tích lãnh thổ EU và Anh đang được cảnh báo về nguy cơ hạn hán và 9% đang trong tình trạng báo động về hạn hán. Các đợt nắng nóng đến sớm vào tháng 5 và 6 vừa qua lại càng khiến lượng nước mưa vào mùa Đông và Xuân tại EU và Anh giảm. Lượng nước dự trữ đang cạn kiệt và lượng nước sông cũng bị ảnh hưởng trên khắp châu Âu.
EC cảnh báo hạn hán cũng như tình trạng khan hiếm nước đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất năng lượng và nông nghiệp. Một số quốc gia như Italy, Pháp, Đức, Hungary, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang thiếu nước tưới cho cây trồng.
Tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò cần thiết cho hoạt động sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện. Theo báo cáo của EC, hoạt động sản xuất năng lượng của nhà máy thủy điện tại nhiều nước châu Âu đến đầu tháng 7 này thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2021.
Nhằm đối phó tình trạng thiếu nước, các quốc gia bị ảnh hưởng cần lập tức thực hiện các biện pháp đặc biệt trong quản lý nguồn nước và năng lượng. EC cho rằng chính phủ các nước cũng cần ưu tiên chống biến đổi khí hậu – nguyên nhân gốc rễ làm gián đoạn vòng tuần hoàn của nước. Bên cạnh đó, biện pháp phòng ngừa cũng cần được triển khai để đảm bảo nguồn cung năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng các giải pháp bền vững trong nông nghiệp trong bối cảnh các hình thái thời tiết đang thay đổi.
Nhiều khu vực tại châu Âu đang chống chịu với nắng nóng khắc nghiệt. Nhiệt độ tại một số nơi đã vượt ngưỡng 40 độ C. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu khiến cho các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, với mức độ trầm trọng hơn.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cháy rừng đang hoành hành tại các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp...
Theo Ủy viên châu Âu về Viện trợ nhân đạo và Quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic, các cơ quan ứng phó tình huống khẩn cấp của EU đang điều phối và tài trợ cho việc triển khai 12 máy bay chữa cháy và một trực thăng được các nước EU đóng góp. EU có kế hoạch đầu tư vào máy bay để ứng phó với khủng hoảng trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp dự kiến gia tăng do biến đổi khí hậu. Ông Janez Lenarcic cho biết về mặt kỹ thuật, những máy bay này sẽ do các nước thành viên mua, nhưng sẽ được EU tài trợ 100%. Tuy nhiên, quan chức này không nêu tên các công ty liên quan do hợp đồng chưa được ký kết.
Theo NGUYỄN HẰNG (TTXVN)