Gặp gỡ “cha đẻ”của Năm Thanh niên và chiếc áo Đoàn

20/07/2021 - 06:44

 - Tháng 4-2021, trong một lần đi công tác ở Hà Nội, tôi may mắn được nghe “cha đẻ” của Năm Thanh niên và chiếc áo xanh thanh niên kể lại câu chuyện ra đời của 2 sự kiện này. Ông là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Ông Vũ Trọng Kim (bìa trái)

Đầu năm 1993, ông Vũ Trọng Kim được bầu làm Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, rồi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (nhiệm kỳ 1996 - 2001). Quãng thời gian gần 15 năm tham gia công tác tại Tây Nguyên đã mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm quý báu, nhìn nhận hoạt động thanh niên bao quát, sâu sắc hơn. Năm 2000, cả thế giới hân hoan chào đón thời khắc thiêng liêng.

“Đây là năm giao thừa thế kỷ, thiên niên kỷ, tất cả mọi người đều mong chờ, chào đón một cái gì đó đặc biệt, một sự kiện xứng tầm. Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Ai là lực lượng xứng đáng trở thành hứng khởi, trao gửi cảm xúc khát khao, hoài bão cống hiến cho quê hương, đất nước, nếu không phải là thanh niên? Ý tưởng đó thôi thúc tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch mang tên “Chào thế kỷ mới”, đồng thời gọi năm 2000 là “Năm Thanh niên”. Không ngờ, ý tưởng đó đã đi vào lịch sử của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” - ông Kim bày tỏ.

Ngay lập tức, Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất của ông. Đúng vào đêm giao thừa thế kỷ mới, 20 cụm trường đại học và cao đẳng trên toàn thủ đô tổ chức 20 diễn đàn thanh niên “Chào thế kỷ mới: Thanh niên làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”. Chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện” chính thức ra đời, với phong trào “Thanh niên tình nguyện”, tiếp thêm động lực cho 2 phong trào lớn lúc đó là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”. Tất cả đều đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.

Trăn trở của ông Vũ Trọng Kim vẫn còn nhiều, trong đó có việc sử dụng áo đồng phục cho ĐVTN cả nước. Ý tưởng xuất hiện từ năm 1999, nhưng kéo dài cả năm trời mới thực hiện xong. Cái khó nằm ở chỗ, phải làm sao thuyết phục bỏ hơn 50 loại áo thanh niên đang sử dụng trên toàn quốc, từ tỉnh, thành phố đến Trung ương, thay thế bằng một kiểu dáng, màu sắc thống nhất.

Ông Vũ Trọng Kim kể: “Tôi sắm cả máy in màu về nhà tự tay thiết kế, đặt tất cả tâm huyết vào chiếc áo. Cuối cùng, ý tưởng của tôi đã được thống nhất, với màu xanh mát mắt, có huy hiệu Đoàn và cờ Tổ quốc trên ngực áo. Để kịp áp dụng trong Năm Thanh niên, một số lượng lớn áo được sản xuất khẩn trương, cung cấp đến 61 tỉnh, thành phố. Từ đó đến nay, ở đâu có thanh niên, ở đó có màu áo xanh đồng phục đặc trưng, nói lên sự thống nhất trong hành động và ước mơ của tuổi trẻ. Sau 21 năm hình thành và phát triển, chiếc áo có hình dáng, màu sắc không thay đổi, được sử dụng trên toàn quốc, đó là điều tôi rất tự hào”.

Tất cả mới chỉ là khởi đầu cho Năm Thanh niên 2000. Ý tưởng chính của ông Kim là dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới (NTM). Ông hiểu rõ nỗi vất vả của người dân ĐBSCL khi lưu thông trên những cây cầu tre cũ kỹ, xuống cấp. Giao thông không thông suốt, đừng nói gì đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xóa đói, giảm nghèo. Điều này ai cũng nhìn nhận, cũng muốn thực hiện. Nhưng tiền ở đâu để làm? Sau nhiều cân nhắc, tính toán, ông Kim quyết định chọn phương án: Nhà nước đầu tư 60%, địa phương (nơi triển khai xây dựng cầu) đối ứng 30%, 10% là công của thanh niên. Phương án được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý. Từ đó, Ban dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu NTM của Trung ương và các tỉnh, thành phố nhanh chóng được lập ra. Phong trào xóa “cầu khỉ”, làm cầu nông thôn mới được triển khai đồng loạt tại 6 tỉnh (Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang).

Cây cầu NTM đầu tiên được khánh thành vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đoàn - ngày 26-3-2000, tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Sau “phát pháo” đầu tiên, 474 chiếc cầu nông thôn khác được xây dựng trong năm, tạo thành tiếng vang rất lớn trong cả nước. Ông biết, mình đã thành công. Nghe tin thanh niên xóa được cầu khỉ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đã trực tiếp đến xem. “Cố Thủ tướng mừng lắm, vì đó là công trình mà ông đau đáu hàng mấy chục năm nay chưa làm được, bây giờ có thanh niên làm thay. Bản thân tôi rất hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui của người dân ĐBSCL, đã thành công giúp họ một phần nào” - ông Kim kể lại bằng giọng nói đầy cảm xúc.

Năm nay, ông Vũ Trọng Kim bước sang tuổi 68, câu chuyện về Năm Thanh niên trở thành quá khứ của 21 năm trước. Nhưng dường như, mọi thứ mới xảy ra hôm qua. Ông vẫn thường được báo chí, ĐVTN mời kể lại chuyện cũ. Lúc nào ông cũng sẵn sàng, bởi ông tin tưởng rằng, đó là một cách truyền lửa cho thế hệ sau: “Tôi sống qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách một lằn ranh nhỏ. Vì vậy, lúc nào tôi cũng cho rằng mình may mắn, sống được đến giờ vui rồi,  “lời” lắm rồi. Các cháu còn trẻ, hãy nhớ rằng, đã vào vị trí phải “chiến đấu” hết sức mình, đừng nghĩ đường lui. Đừng sống trong vùng an toàn, thay vào đó mạnh dạn suy nghĩ cách làm mới, khác biệt nhưng ý nghĩa”.

GIA KHÁNH