Gặp gỡ “Thầy thuốc Nhân dân”

08/08/2024 - 06:38

 - BS.CKII Huỳnh Văn Nên, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế An Giang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Quá trình công tác, BS Nên đã có nhiều cống hiến cho ngành y tế An Giang về chuyên môn kỹ thuật và nghiên cứu khoa học. Điển hình như phòng, chống suy dinh dưỡng, thực hiện các mô hình thí điểm (“Câu lạc bộ (CLB) bà mẹ nuôi con giỏi”, “Nuôi con bằng sữa mẹ”, chống béo phì trong nhà trẻ…) và sau đó triển khai đại trà trong cộng đồng. Mô hình “CLB bà mẹ nuôi con giỏi” được ứng dụng rộng rãi toàn tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi.

Đặc biệt, mô hình “Tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ dựa vào cộng đồng” triển khai ở 2 xã nông thôn Bình Thạnh Đông và Phú Thọ (huyện Phú Tân) làm tăng tỷ lệ bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, giảm tỷ lệ béo phì... Mô hình được Viện Dinh dưỡng và UNICEF đánh giá cao.

Ngoài ra, BS Nên còn trực tiếp huấn luyện, tổ chức hội thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi và bà mẹ nuôi con giỏi, thực hiện tọa đàm...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng trao tặng quà lưu niệm cho BS.CKII Huỳnh Văn Nên, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

BS Nên chia sẻ: “Tôi đã làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Tham gia xây dựng các chuyên mục sức khỏe, các buổi tọa đàm trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Chuyên trang sức khỏe cộng đồng trên Báo An Giang và Tập san Sức khỏe ngành y tế An Giang định kỳ. Các chuyên mục truyền thông giúp người dân nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi sức khỏe theo hướng có lợi. Các phóng sự sức khỏe, thông điệp sức khỏe dưới hình thức văn hóa - văn nghệ…

Trong truyền thông phòng, chống dịch bệnh, luôn đổi mới phương pháp tiếp cận người dân và trọng tâm hướng về thay đổi hành vi, phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng kịp thời thông tin và giáo dục cho người dân về các biện pháp phòng chống. Tổ chức và trực tiếp thực hiện các hình thức sinh hoạt CLB sức khỏe, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, hội thi, hội thảo… tại trung tâm và cộng đồng.

Đặc biệt, CLB “Cùng nhau bỏ thuốc lá” giúp học sinh, sinh viên nam hệ chính quy Trường Cao đẳng Y tế  An Giang bỏ thuốc lá thành công, với tỷ lệ cao sau 3 năm hoạt động.

Giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế An Giang, BS Nên góp phần thúc đẩy việc nâng cấp từ Trường Trung học Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế. Mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo (chính quy, ngoài kế hoạch, liên kết, vừa làm vừa học, đào tạo liên tục…). Phối hợp tốt các trường đại học và các đơn vị y tế nâng chất các hoạt động đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học... góp phần cung cấp nguồn nhân lực y tế cho tỉnh nhà.

“Tôi đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của trường, thu hút nhiều học sinh trong và ngoài tỉnh đến học tập, nên tỷ lệ tuyển sinh hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Mạnh dạn chuyển hoạt động trường sang cơ chế tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, nâng cao thu nhập đời sống cán bộ, viên chức, người lao động. Tích cực đào tạo liên tục mạng lưới y tế, nhân viên y tế cơ sở, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe toàn dân”- BS Nên chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu, BS Nên được đồng nghiệp bầu làm Chủ tịch Hội Y học tỉnh An Giang. Hiện, ngoài hoạt động hội, BS Nên vẫn giảng dạy truyền lại kinh nghiệm nghề nghiệp cho thế hệ trẻ ở các trường đại học, cao đẳng ngành y... và tham gia thiện nguyện khám bệnh, tư vấn sức khỏe người dân vùng khó khăn...

Trăn trở và nhắn nhủ thế hệ trẻ ngành y, BS Nên bày tỏ: “Nền y học hiện đại đang tiến bộ vượt bậc từng ngày, cán bộ y tế phải luôn cần cù, chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, tìm tòi, sáng tạo, biết kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa học tập, làm việc và nghiên cứu...

Còn rất nhiều người sống ở vùng khó khăn, chịu thiệt thòi, rất cần đôi tay và tấm lòng của người làm nghề y, nên cần cán bộ y tế phải từ tâm, nhiệt huyết, xung kích và cống hiến... Nghề y là một nghề vất vả, nhiều áp lực, đối tượng phục vụ bệnh nhân, đòi hỏi cán bộ y tế phải giỏi chuyên môn và giàu lòng nhân ái, luôn rèn luyện tay nghề, cũng như rèn luyện y đức hàng ngày. Biết lắng nghe, để thấu cảm, từ đó ứng xử thật chuẩn mực với mọi người...”.

 HẠNH CHÂU