Nhà ông Chau Pi (Nguyễn Thành Tài, 44 tuổi) nằm sâu sau núi Cấm, thuộc ấp Tà Lọt (xã An Cư, Tịnh Biên) nên khó tìm, thế là chúng tôi nghĩ ngay đến cách hỏi đường “nhà ông Chau Pi "nài" bò ở đâu?”. Quả thật, cách hỏi rất hữu hiệu khi đến đâu ai cũng biết và chỉ đường. Trò chuyện với chúng tôi, ông Chau Pi giữ lối trò chuyện hào sảng, chân chất và điềm tĩnh, đúng như cái cách mà ông chinh chiến trên đường đua. Trong lúc trò chuyện với ông Chau Pi, tôi được một “nài” bò khác kề tai nói nhỏ: “Ông Chau Pi là tay đua có tiếng nhất vùng, năm nào cũng được giải thưởng lớn, cả giải huyện lẫn giải Bảy Núi. Ai mà bắt thăm gặp phải ổng coi như xui, dắt bò về, khỏi đua…”. Ông Chau Pi khiêm tốn: “Tôi đâu có biệt tài gì đâu, cứ ra sân là đua hết mình thôi”.
“Nài” bò cần có sự đam mê và gan dạ
Thông thường, mỗi cuộc đua có từ 40-60 đôi bò tham gia, mỗi lần đua có 2 đôi bò cùng tranh tài. “Nài” hoặc “tài xế” điều khiển đôi bò phải đứng thật vững trên giàn bừa vung gậy điều khiển bò như đang bừa trên ruộng. Họ điều khiển bằng dây cột ở mũi 2 con bò và khi cần, có thể dùng gậy gắn đinh nhọn (xà lun) để đâm thúc chúng chạy nhanh hơn. Trong quá trình đua, để bò hiểu được ý chủ lúc nào chạy nhanh, lúc nào chạy chậm, khi nào tăng tốc, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua, nghệ thuật “chặt” cua nhưng vẫn giữ tốc độ cao, không chạy ra ngoài vòng đua là “bí quyết” riêng của từng tài xế. Ông Chau Pi chia sẻ: "Khi bước lên bừa phải cầm dây chão thật chắc, 2 chân làm trụ thật vững trên gọng bừa. Đặc biệt, phải kết hợp hài hòa giữa “nài” và đôi bò, nếu không ăn ý với nhau bò dễ khiếp vía trước sự tấn công của đối thủ hoặc trước những âm thanh cổ vũ của khán giả mà “phản chủ”…".
Theo ông Chau Bi, do số lượng các đôi bò tham gia ngày càng nhiều, nên Ban Tổ chức thường tổ chức thi đấu loại trực tiếp với 1 vòng quanh sân, trong đó nửa chặng đầu là vòng hô (đi chậm, biểu diễn) và nửa chặng còn lại là vòng thả (tăng tốc để về đích) để chọn đôi bò chiến thắng vào vòng tiếp theo. Tại vòng hô, cặp đi sau đạp lên bừa của cặp đi trước thì bị xử thua. Nhưng ngược lại, ở vòng thả, cặp phía sau đạp được bừa của cặp trước hoặc duy trì được khoảng cách 4m khi về đích sẽ thắng cuộc. Trong lúc thi đấu, cặp nào chạy ra khỏi đường đua, leo lên bờ đê đều bị xử thua.
Ông Chau Pi đoạt giải nhất Hội đua bò Bảy Núi lần XXV-2018
Càng tiến gần đến trận chung kết sự gay cấn được đẩy lên cao hơn, vì ở giai đoạn này chỉ còn các “cao thủ”. Lúc này, người điều khiển phải thể hiện hết bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như sự khéo léo trong cách điều khiển cặp bò của mình để đánh bại đối thủ. Khác với nhiều tay “nài” bò khác, hầu như tất cả vòng đua mà ông Chau Pi thi đấu, ông không hề tăng tốc giục bò chạy thật nhanh ở vòng hô, chỉ khi đến vòng thả ông mới tăng tốc về đích. “Mỗi người có cách điều khiển khác nhau, nhưng đối với tôi điều quan trọng nhất là phải phán đoán được thực lực đối thủ và điều khiển cặp bò của mình sao cho thắng cuộc mà bò ít tốn sức nhất. Nếu không tính toán sẽ khó đi đến trận cuối cùng vì bò sẽ kiệt sức” - ông Chau Bi chia sẻ.
Khi đã theo nghiệp đua bò thì những tay “nài” bò phải chấp nhận sự kỳ công, từ việc chọn bò cho đến chăm sóc, huấn luyện rồi thi đấu. Khâu nào cũng quan trọng như nhau. Tuy nhiên, đối với tay “nài” bò lão làng như Chau Pi có lẽ chọn cặp “chiến binh” để cùng chinh chiến chắc hẳn sẽ là khâu quan trọng nhất. Để có được đôi bò “chiến” như hiện nay, ông Chau Pi đã phải qua tận Campuchia hàng tháng trời mới mua được. Việc chăm sóc và rèn luyện bò cũng rất khắt khe, nhất là khoảng thời gian chuẩn bị tham dự giải. Khi đó, ngoài thức ăn chính là cỏ non, bò phải được tẩm bổ bằng cháo gạo, cám, nước dừa pha trứng gà, sữa tươi. “Ngoài việc chọn được bò tốt, chăm sóc kỹ, người điều khiển phải gần gũi với chúng như một người bạn và giành nhiều thời gian tập luyện. Qua đó, giúp người và bò hiểu ý nhau, tạo sự an tâm khi bước ra đường đua”.
Lễ hội đua bò Bảy Núi là lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer Nam Bộ, được tổ chức hàng năm luân phiên giữa 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Lễ hội đua bò Bảy Núi góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở vùng Bảy Núi và là hoạt động thu hút đông đảo khách du lịch về An Giang…
Bài, ảnh: KHÁNH MY