Ông Rick Spinrad, Giám đốc Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: “Tháng 7 thường là tháng ấm nhất trong năm của thế giới, nhưng tháng 7 năm 2021 đã vượt qua nhiệt độ của những tháng 7 đã qua và trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận”.
Trong một tuyên bố, ông Spinrad cho biết: “Kỷ lục mới này bổ sung vào hành trình đáng lo ngại và gián đoạn mà biến đổi khí hậu đã tạo ra cho toàn cầu”.
Nhiệt độ bề mặt trái đất nóng kỷ lục trong tháng 7 vừa qua. (Ảnh: NASA).
NOAA cho biết, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất liền và đại dương là 16,73 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20, đồng thời cao hơn 0,01 độ C so với kỷ lục hồi tháng 7-2016, khiến nó trở thành tháng 7 nóng nhất kể từ khi kỷ lục bắt đầu được ghi nhận cách đây 142 năm.
Theo NOAA, tháng 7 vừa qua ghi nhận nhiệt độ trên bề mặt đất liền ở Bắc bán cầu là cao nhất, cao hơn mức trung bình 1,54 độ C, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2012.
Châu Á có tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay, vượt qua năm 2010, trong khi châu Âu trải qua tháng 7 nóng thứ hai, chỉ sau năm 2018.
Tuần trước, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo khoa học rất sốc của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) khi cho rằng thế giới chắc chắn sẽ đạt mức nóng lên 1,5 độ C vào khoảng năm 2030.
Ông Spinrad đánh giá: “Các nhà khoa học trên toàn cầu đã đưa ra đánh giá cập nhật nhất về những cách thức mà khí hậu đang biến đổi”.
"Đây là một báo cáo nghiêm túc của IPCC phát hiện ra rằng ảnh hưởng của con người, rõ ràng là gây ra biến đổi khí hậu, và nó xác nhận các tác động đang lan rộng và gia tăng nhanh chóng".
Chỉ với mức nhiệt nóng lên 1,1 độ C như hiện nay, mùa hè này, thế giới đã chứng kiến một loạt các thảm họa thời tiết chết người không ngừng tăng lên, từ những đợt nắng nóng tan chảy nhựa đường ở Canada, đến những cơn mưa biến các đường phố ở Trung Quốc và Đức thành sông, đến hỏa hoạn quét sạch những khu rừng ở Hy Lạp và California (Mỹ).
Theo HOA LAN (Báo Nhân Dân)