Ghi nhớ công lao bác Sáu Dân

17/06/2021 - 04:10

 - “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…” - đoạn mở đầu văn bia đặt tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) cho thấy sự trân trọng của các thế hệ lãnh đạo và người dân An Giang hôm nay đối với công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày 8-5 (âm lịch), lễ giỗ của ông được tổ chức trang trọng tại đầu kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt), một cách tri ân với vị Thủ tướng gần dân.

Mở cõi

ĐBSCL ruộng đất phì nhiêu, người xưa ví von “cò bay thẳng cánh” không ngoa. Tuy hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng là vùng đất ẩm thấp, phèn đọng, hoang hóa nên những lưu dân đầu tiên đến đây sinh sống phải đối mặt với sơn lam chướng khí, rừng sâu nước độc, thú dữ dẫy đầy. Nhà Nguyễn vì thời thế phải lui vào phương Nam và muốn tồn tại tất nhiên phải lo cho lưu dân phát triển, nhất là vấn đề khai hoang sản xuất, tạo nên hậu phương vững chắc.

Trang trọng tổ chức lễ giỗ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại đầu kênh mang tên ông. Ảnh: N.C

Riêng vùng đất An Giang được lưu dân người Việt đến khẩn hoang từ thế kỷ XVII và chính thức được nhà Nguyễn thiết lập đơn vị hành chánh vào năm 1757 khi Nguyễn Cư Trinh vào thành lập đạo Châu Đốc. Sau đó, rất nhiều người có công trong thời kỳ an dân, lập làng và đánh đuổi bọn ngoại xâm, cướp bóc ở biên giới, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Thoại…

Nếu nói về tầm nhìn chiến lược, tổ chức đào kênh dẫn thủy nhập điền, đắp đường để thuận lợi vận chuyển, đi lại và giữ yên cuộc sống cho người dân thì Nguyễn Văn Thoại là người nổi bật nhất. Hàng loạt công trình tiêu biểu được danh thần Thoại Ngọc Hầu tạo ra, như: năm 1818, đào kênh Thoại Hà dài hơn 30km, huy động trên 1.500 lượt nhân công, kéo dài hơn 1 năm và được triều đình lấy tên ông đặt tên cho con kênh này.

Năm 1819, đào kênh Vĩnh Tế dọc theo biên giới Tây Nam, bắt nguồn từ sông Châu Đốc đến Hà Tiên và đổ ra biển, dài trên 90km. Con kênh được đào với hơn 80.000 lượt nhân công và đến năm 1824 mới xong vì bị gián đoạn nhiều lần. Tên bà vợ chánh của ông được đặt tên cho con kênh này và kênh Vĩnh Tế được khắc vào Cao đỉnh trong bộ Cửu đỉnh ở triều đình Huế.

Năm 1826, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đắp con lộ từ dinh Đồn Châu Đốc đến núi Sam dài 5km, huy động gần 4.500 nhân công và hơn 1 năm mới hoàn thành. Con đường được đặt tên là Tân Lộ Kiều Lương và ngày nay mở rộng 6 làn xe, đủ sức phục vụ cho khách hành hương, du lịch đi lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Tiếp bước tiền nhân

Sau khi những con kinh đào hoàn thành, đất đai trở nên màu mỡ, diện tích trồng trọt được mở rộng, đời sống lưu dân khá lên. Người tứ xứ quây quần về đây càng lúc càng đông theo quy luật “đất lành chim đậu”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lũ lụt, nhiều nơi đất còn nhiễm phèn nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Tiếp bước tiền nhân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những lần đến An Giang đã nhận thấy bất cập của vùng đất đầu nguồn, nhất là khó khăn trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Dự án thoát lũ ra Biển Tây thể hiện tầm nhìn rộng, tấm lòng vì nước, vì dân của bác Sáu Dân. Người dân gọi kênh T5 là “kênh ông Kiệt”.

Con kênh được khởi công vào tháng 4-1997 với chiều dài trên 36km, bề mặt ngang 30m, đáy rộng 20m, sâu 4m, hoàn thành trong 30 tháng. Sau khi hoàn thành, kênh T5 cùng với các kênh T4, T6 khơi dậy tiềm năng hơn 500.000ha đất hoang khu Tứ giác Long Xuyên thành cánh đồng lúa vàng.

Riêng xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn), nơi khởi nguồn con kênh, trước kia chỉ có 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp, sau khi con kênh hoàn thành một thời gian thì diện tích lúa tăng lên đến 20.000ha. Cuộc sống người dân vùng này “thay da đổi thịt”.

Ngày 10-7-2009, tỉnh An Giang ra nghị quyết chính thức đặt tên kênh T5 là "kênh Võ Văn Kiệt". Hai năm sau, để ghi nhớ công ơn của ông, tỉnh cho dựng bia và phù điêu chân dung ông tại đầu vàm kênh T5, đặt trong công viên mang tên Võ Văn Kiệt (rộng hơn 4.500m2, phía trước UBND xã Lạc Quới).

Bia và công viên được long trọng khánh thành ngày 11-6-2011. Bia cao khoảng 18m, phần trên là phù điêu bằng chất liệu composite màu vàng chạm khắc chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần dưới là bản văn bia chữ vàng trên nền đá granite màu đỏ nâu sậm. Bia do họa sĩ Dương Đình Chiến (bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang) thiết kế và thực hiện.

Văn bia do ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), một người rất tâm huyết và tâm đắc với các công trình của bác Sáu Dân, viết về ý nghĩa và bối cảnh thực hiện con kênh. Bài viết ngắn gọn nhưng súc tích, khởi đầu bằng đoạn: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…”, kết thúc bởi câu: “Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay hướng dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”.

Tiếp bước danh thần Thoại Ngọc Hầu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tạo dấu ấn ở vùng Tứ giác Long Xuyên từ những con kênh mà người dân ghi nhớ công lao bằng cách dùng tên ông để gọi. Ngày nay, cứ đến ngày giỗ ông (8-5 âm lịch), huyện Tri Tôn lại tổ chức lễ giỗ trang trọng ngay đầu kênh Võ Văn Kiệt, một cách để nhắc nhở thế hệ hôm nay không quên công ơn của các bậc tiền nhân.

TRỊNH BỬU HOÀI