Thị trường gạo Châu Á:
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 387-395 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Mumbai cho biết các khách hàng nhận thấy giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với các nước khác dù giá đã tăng gần đây. Nguồn cung ở Ấn Độ cũng đang thắt chặt sau khi New Delhi quyết định chấm dứt chương trình thực phẩm miễn phí trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và thay thế bằng một chương trình rẻ hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 500 USD/tấn, tương tự với mức đạt được trong tuần trước và là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Các thương nhân cho rằng giá gạo tăng cao là do đồng baht mạnh lên, làm giảm lợi nhuận của các đại lý bán hàng ở nước ngoài và khiến họ tăng giá.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu mới bị hạn chế do giá gạo Thái Lan nhỉnh hơn giá gạo Ấn Độ. Nguồn cung cũng giảm do đây là vụ cuối cùng. Và nếu đồng baht tiếp tục tăng giá, xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể không đạt được mục tiêu đề ra.
Tuần trước, Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 từ 8 triệu tấn xuống 7,5 triệu tấn do đồng baht mạnh.
Thị trường Việt Nam vẫn đóng cửa trong tuần này để nghỉ Tết Nguyên đán. Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn.
Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các mặt hàng nông sản diễn biến ngược chiều nhau phiên ngày 27/1 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, trong đó giá ngô tăng nhẹ, còn giá đậu tương và lúa mỳ giảm.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 0,5 xu (0,07%) lên 6,83 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 2,5 xu (0,33%) xuống 7,5 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ giảm 14 xu (0,92%) xuống 15,095 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá đậu tương kỳ hạn giảm do sức ép về việc phòng ngừa rủi ro của Brazil được cải thiện khi sản lượng vụ thu hoạch tăng lên. Các loại cây trồng ở Argentina đang phát triển tốt nhờ thời tiết thuận lợi.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng rất khó để giá đậu tương kỳ hạn tăng lên 15,25 USD/bushel khi Brazil đang thu hoạch vụ đậu tương lớn kỷ lục. Còn giá ngô sẽ giao dịch ở mức 6,90 -7,00 USD/bushel và đà tăng của lúa mỳ sắp dừng lại.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã không công bố số liệu về doanh số bán ngô, đậu tương hay lúa mỳ mới hàng ngày hôm 27/1. AgResource nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu tương hoặc ngô mới của Mỹ.
Hàn Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á tiếp tục đặt mua lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi. AgResource lo ngại việc nhiều nước đặt mua lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi thay ngô sẽ tác động đến tiềm năng xuất khẩu ngô của Mỹ trước khi Brazil trở thành nhà xuất khẩu lớn theo mùa vào tháng 6/2023.
Vào tuần tới, Argentina sẽ có mưa ở một vài nơi, còn hầu hết các khu vực ở Brazil sẽ có mưa.
Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài đà tăng lên phiên thứ tư. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 tăng 59 USD lên 2.053 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 5/2023 tăng 54 USD lên 2.016 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tăng liên tiếp phiên thứ sáu. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 tăng 2,75 xu, lên 169,90 xu/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 cũng tăng 2,75 xu lên 170,05 xu/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 700 – 800 đồng, lên dao động trong khung 42.900 – 43.400 đồng/kg.
Theo Barchart.com, giá cà phê kéo dài đợt tăng trong hai tuần, với Arabica đạt mức cao nhất trong 3 tuần rưỡi và Robusta đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Theo các nhà quan sát, sở dĩ giá tăng mạnh trên cả hai sàn chủ yếu là do các hoạt động kỹ thuật khi các quỹ và đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Bên cạnh đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết các thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất tại phiên họp chính sách tiền tệ vào giữa tuần tới.
Dự kiến tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm mức tiêu thụ giảm vì các lệnh đóng cửa nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh COVID-19 của nhiều quốc gia trên thế giới và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo MINH HẰNG (TTXVN)