Giá vàng trong nước tăng kỷ lục: Có nên 'tất tay' vào vàng?

05/08/2020 - 14:30

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại cung cầu thị trường trong nước vẫn ổn định nhưng người "chơi vàng" cần hết sức thận trọng trong "cuộc chơi" này.


Khách mua bán vàng tại Công ty Kinh doanh vàng bạc Bảo Tín Minh Châu. (Ảnh: Trần Việt - TTXVN)

Giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục trong thời gian gần đây. Kim loại quý trong nước đã lần lượt phá các mốc 50-55 triệu đồng/lượng và đang tiến gần về mốc 60 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 1 tháng.

Liệu vàng có hấp dẫn trở lại đang là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Vì sao giá vàng tăng "dựng đứng"?

Giá vàng thế giới tăng dựng đứng trong phiên hôm nay (5-8) và đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2.000 USD/ounce do giới đầu tư kỳ vọng vào những gói kích thích kinh tế mới của Mỹ để bảo vệ nền kinh tế trước đại dịch COVID-19 trong bối cảnh lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức thấp. Giá vàng đã chạm mốc 2.021 USD/ounce trước khi giảm nhẹ vào đầu giờ sáng nay.

Phát biểu với Diễn đàn Các thị trường Toàn cầu Reuters, nhà tư vấn kinh tế trưởng Mohamed El-Erian tại Allianz, nhận định đà tăng của giá vàng xuất hiện khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm một phạm vi lớn hơn các loại tài sản giảm thiểu rủi ro giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ đang quá thấp.

Các chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng do tâm lý các nhà đầu tư quan ngại về liệu Chính phủ Mỹ có sớm thông qua gói hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này hay không.

Hiện các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về gói hỗ trợ mới dù đã đàm phán trong nhiều ngày qua.

Trong phân tích được đưa ra, ngân hàng Commerzbank nhận định: "Giá vàng đang được các nhà đầu tư coi là một cơ hội để mua. Giá vàng tăng không phải là điều bất ngờ khi nhìn số ca mắc mới COVID-19 vẫn tăng cao, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí về gói hỗ trợ kinh tế mới, cũng như các yếu tố tác động khác."

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 33%, nhờ lãi suất thấp hơn và hoạt động mua vàng giữa bối cảnh thị trường xuất hiện các lo ngại về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ làm giảm giá trị của đồng USD. Thị trường trái phiếu Mỹ hiện đang hoài nghi về sự phục hồi của nền kinh tế.

Trước đó, vàng phải cạnh tranh với các kênh “trú ẩn an toàn” khác như đồng USD, đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ-Trung hạn chế dòng chảy đầu tư vào vàng.

Bên cạnh việc tăng mạnh của giá vàng, việc đồng USD rớt xuống mức thấp nhất 2 năm càng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng để giữ an toàn cho nguồn vốn của mình.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích có tiếng trên thị trường quốc tế cũng đưa ra nhận định, giá vàng tăng nhanh như thời gian vừa qua sẽ làm tăng khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh tạm thời, mặc dù xu hướng tiếp theo đó vẫn tăng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Ở thị trường trong nước, giá vàng đã phá các mốc lịch sử từ mức 50 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 7 và tới hiện tại kim loại quý đang tiến gần về mốc 59 triệu đồng/lượng.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường vàng trong nước đang chịu áp lực bởi giá vàng thế giới tăng mạnh. Hiện tại, cung cầu thị trường trong nước vẫn ổn định. Tuy nhiên, người "chơi vàng" cần hết sức thận trọng trong "cuộc chơi" này.

Đầu tư vàng như thế nào?

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi lượng vàng SJC đã đắt lên tới gần 10 triệu đồng/lượng. Theo giới chuyên gia, có cơ hội để đầu tư vào vàng thời điểm này nhưng hãy thận trọng với kim loại quý bởi độ rủi ro của thị trường rất lớn.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, vàng vẫn có cơ hội để đầu tư nhưng không nên dồn hết vốn liếng vào vàng và người dân càng không nên rút tiền tiết kiệm để mua vàng. Nếu người dân có tiền nhàn dỗi chỉ nên dùng 1/3 để đầu tư vào kim loại quý. Thậm chí phải tính toán cả độ rủi ro, nếu chấp nhận được rủi ro thì hãy tham gia "cuộc chơi" này.

"Người dân có đầu tư hãy đầu tư dài hạn và tuyệt đối không nên 'lướt sóng.' Giá vàng tăng nhanh nhưng cũng có thể xuống rất nhanh nên lướt sóng tại thời điểm này rủi ro rất lớn. Nếu mua vàng tại thời điểm này hãy giữ lại khoảng  6 tháng sau được giá thì bán," tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cũng phân tích, hiện nay giá vàng trong nước đang "vênh" với giá thế giới khá lớn, thời điểm sáng 5-8 là gần 3 triệu đồng/lượng.

Đây là một thông số cho thấy độ rủi ro cao trên thị trường, thông thường chênh lệch 1 triệu đồng/lượng cũng là yếu tố cảnh bảo rủi ro.

Thêm vào đó, ở những thời điểm nhạy cảm, giới kinh doanh vàng thường nới rộng chênh lệch mua và bán để bảo đảm an toàn. Điều đó lại đẩy rủi ro đến cho người dân. Bởi người dân khi mua sẽ mua giá cao nhưng khi bán ra thì lại chịu thiệt nhiều vì giá thấp.

Bài học gần đây nhất là vào sáng 28-7. Giá vàng trong nước đã vượt mốc 58 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng nhưng đã nhanh chóng rớt mạnh. Chỉ trong buổi sáng, mỗi lượng vàng SJC đã rẻ đi tới gần 1 triệu đồng/lượng. Nếu ai mua vàng vào đầu giờ sáng ở mức giá 58 triệu đồng/lượng thì cuối giờ sáng đã chịu lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhìn nhận, tại Việt Nam sau khi không còn chính sách gửi vàng có lãi (không giống như gửi tiền tiết kiệm, việc gửi vàng vào ngân hàng chẳng những không được hưởng lãi suất mà thậm chí còn khiến người gửi mất một khoản phí, thường gọi là phí giữ hộ vàng) thì nhu cầu yếu hơn.

Trong bối cảnh giá vàng tăng như hiện nay, những người đang nắm giữ vàng hoặc đã mua vào ở thời điểm giá thấp thì nên nắm giữ. Còn những người chưa mua vẫn có thể đầu tư vào vàng, nhưng không nên mạnh tay.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, hiện nay hầu hết các nước lớn đều bơm tiền tương đối mạnh nên các kênh đầu tư, dòng tiền lớn giúp cho thị trường chứng khoán, thị trường vàng đều có cơ hội tăng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, kênh đầu tư chủ chốt là gửi tiết kiệm thì lãi suất giảm khá mạnh và liên tục giảm nên hoàn toàn có thể là dòng tiền đã dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư có kỳ vọng sinh lợi tốt hơn như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu... thậm chí là vàng.

Thị trường vàng trong nước đã tấp nập kẻ bán người mua trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, giới kinh doanh vàng cho biết thị trường hiện vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ.

Theo đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, từ đầu phiên giao dịch sáng 5-8 đến hiện tại, trên toàn hệ thống của DOJI, vẫn có khách hàng mua vào dù giá vàng đang neo ở mức khá cao.

Có khả năng người mua vàng trong nước vẫn kỳ vọng việc giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa do những bất ổn của việc kiểm soát dịch bệnh trên thế giới cũng như những yếu tố về mặt kinh tế, tài chính tác động lên xu hướng tăng của giá vàng.

Các chuyên gia đến từ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng luôn khuyến cáo, đầu tư vàng luôn là một kênh đầu tư rất khó nắm bắt và dự đoán cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro.

Bởi vậy, những nhà đầu tư có ý định tham gia vào đầu tư vàng sinh lời cần thận trọng, không nên “bỏ trứng vào một giỏ” và nên phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì dồn “tất tay” vào kim loại quý.

Theo ĐÔ HUYỀN (TTXVN/Vietnam+)