Giá xăng dầu thế giới
Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu giảm trên toàn thế giới, sự biến động của đồng USD và lượng tồn kho dầu diesel của Mỹ ở mức thấp trong khi mùa đông đang đến gần là những yếu tố chính tác động lên giá dầu tuần này.
Giá xăng dầu trải nghiệm tuần giảm giá sau 2 tuần tăng liên tiếp. Ảnh minh họa: Foxbusiness
Ngay phiên giao dịch chào tuần mới, giá dầu đã chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp của tuần trước đó. Việc các nhà đầu tư lo ngại rằng các đám mây bão kinh tế có thể báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu và làm xói mòn nhu cầu nhiên liệu đã đẩy giá dầu trượt dốc gần 2%.
Giá dầu tiếp tục lao dốc thêm 2% vào phiên giao dịch kế tiếp do lo ngại suy thoái và bùng phát các ca Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu trên toàn thế giới.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, đồng thời nhấn mạnh lạm phát vẫn là một vấn đề tiếp diễn.
Theo một báo cáo của Commerzbank, nguồn cung thiếu hụt thậm chí còn có thể kéo sang năm tới vì việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ được cho là sẽ duy trì đến cuối năm 2023.
Những lo ngại liên tục về nhu cầu, sự mạnh lên của đồng bạc xanh cùng kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn sẽ tăng lãi suất cùng dự trữ dầu và xăng của Mỹ tuần trước tăng cao bất ngờ đã thúc đẩy đà lao dốc của giá dầu. Giảm trong khoảng 2%, giá dầu trải nghiệm phiên trượt giá thứ 3 liên tiếp.
Cùng trong ngày giảm thứ 3 này của giá dầu, OPEC đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay từ 460.000 thùng/ngày đến 2,64 triệu thùng/ngày với lý do hồi sinh các biện pháp ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc và lạm phát cao.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã hạ thấp kỳ vọng của mình đối với cả sản xuất và nhu cầu ở Mỹ và trên toàn thế giới. Theo cơ quan này, mức tiêu thụ của Mỹ chỉ tăng 0,9% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1,7%. Trên toàn thế giới, bộ này cho biết mức tiêu thụ chỉ tăng 1,5%, giảm so với dự báo trước đó là tăng 2%.
Sau chuỗi ba ngày “lao dốc không phanh”, giá dầu đã đảo chiều, leo dốc khoảng 2% tại phiên giao dịch thứ tư của tuần giao dịch, chịu tác động bởi mức tồn kho dầu diesel của Mỹ thấp trước khi mùa đông bắt đầu. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã giảm 4,9 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng giảm 2 triệu thùng. Như vậy là tồn kho sản phẩm chưng cất chỉ còn 106,1 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 5.
Giá xăng dầu trượt dốc sâu trong tuần. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu đã không thể duy trì đà tăng tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu yếu. Mức giảm hơn 3% tại phiên đã giúp giá dầu củng cố trải nghiệm tuần giảm giá của mình. Giảm lần lượt là 6,4% và 7,6% trong tuần, giá dầu Brent giao tháng 12 chốt tuần ở mức 91,63 USD/thùng, WTI 85,61 USD/thùng.
Nỗi lo lạm phát sẽ tiếp tục đeo bám giá dầu vào tuần tới.
Trong khi đó, lạm phát lõi của Mỹ đã ghi nhận mức tăng hằng năm lớn nhất trong 40 năm. Điều này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago cho biết, điều đó có nghĩa là đồng USD sẽ tăng giá và thị trường dầu mỏ chịu áp lực đi xuống.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16-10 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.292 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.007 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.187 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.820 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.094 đồng/kg.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân