Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 18-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8 được giao dịch ở mức 101 USD/thùng, giảm 0,11 USD, tương đương 0,11%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 8 cũng giảm 0,11 USD, tương đương 0,11 %, xuống mức 97,48 USD/thùng.
Giá dầu hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Reuters
Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm cầu từ Trung Quốc – quốc gia Đông Á với mức tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới – do sự “trỗi dậy” của Covid-19 vẫn tiếp tục đè nặng giá dầu.
Tuần trước, giá dầu đã liên tục lao dốc không phanh, xuống dưới mức 3 con số. Ngày 12-7 là ngày đánh dấu sự trượt dốc dài của giá dầu, tới gần 8%, khi mà giá dầu Brent chỉ còn 99,49 USD/thùng, và WTI còn 95,84 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của cả dầu Brent và WTI trong vòng ba tháng qua.
Theo Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, giá dầu đang phải đối mặt với áp lực cực lớn.
Chưa kịp trở lại mốc 100 USD/thùng, hai ngày sau, giá dầu lại tiếp tục bị “giội gáo nước lạnh” bởi thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất tới 100 điểm phần trăm vào cuối tháng này để kiềm chế lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6 đã tăng mạnh tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981 và cao hơn mức tăng 8,6% hồi tháng 5. Rất may sau đó, vào những giờ cuối của phiên giao dịch, giá dầu đã phục hồi, lấy lại được gần như hết các khoản lỗ trong ngày. Dầu thô Brent đã không thể “trụ” ở mức hơn 95 USD/thùng lâu. Tuy nhiên, sự lấy lại đà này của Brent chưa đủ để Brent trở lại mốc 100 USD/thùng, khiến mặt hàng này đạt 3 phiên liên tiếp giá dưới mức 3 con số.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, thông tin các nhà hoạch định chính sách diều hâu nhất của Fed nhiều khả năng chọn mức tăng 0,75% thay vì 1% lãi suất, cũng như nguồn cung không thể nhanh chóng tăng vọt từ Ả Rập Xê-út đã giúp cả dầu Brent và WTI cùng phục hồi giá tới khoảng 2 USD.
Nhiều thành viên của OPEC vẫn không thể đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của mình. Ảnh minh họa: Reuters
Nhưng những phút chuyển mình leo dốc của giá dầu vào phiên giao dịch cuối của tuần đã không kéo được giá dầu của cả tuần tăng. Dầu Brent và WTI đã có thêm một tuần giảm, với Brent “lỗ” 5,5%, WTI giảm 6,9%.
Theo các nhà phân tích, nguồn cầu không được đáp ứng đủ từ các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khả năng phong tỏa để kiềm chế Covid-19 ở Trung Quốc, và khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là những yếu tố chính tác động đến sự tăng-giảm của giá dầu tuần này.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.
Giá xăng dầu thế giới thời gian qua đã liên tục giảm. Theo các chuyên gia trong nước, với đà giảm này của giá xăng dầu thế giới, nhiều khả năng trong lần điều hành giá sắp tới của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều chỉnh giảm.
Lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng dầu trong nước đã giảm trên dưới 3.000 đồng/lít/kg.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)