Giá xăng dầu thế giới
Theo Reuters, giá dầu đã giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong 12 tuần qua trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 6-7, kéo dài mức lỗ nặng của phiên trước khi các nhà đầu tư gia tăng lo lắng rằng nhu cầu năng lượng sẽ bị ảnh hưởng bởi một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng.
"Vàng đen" tiếp tục trượt giá. Ảnh minh họa: Foxbusiness
Giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 2,08 USD, tương đương 2%, xuống 100,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 97 cent, tương đương 1% xuống mức 98,53 USD/thùng.
Trước khi “lao dốc”, cả dầu Brent và WTI đều đã “bỏ túi” hơn 2 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung. Đáng chú ý là, trong phiên giao dịch, có thời điểm cả hai điểm chuẩn này đã trượt dốc tới hơn 4 USD khiến giá dầu Brent được trải nghiệm về mốc hai con số.
Trong nhiều tháng qua, giá dầu liên tục biến động không ngừng. Nhất là kết thúc phiên giao dịch ngày 5-7, “vàng đen” đã trượt dốc không phanh, với WTI giảm 8% trong khi Brent giảm hơn 9%, tương đương gần 11 USD - mức giảm sâu thứ ba đối với hợp đồng này kể từ khi bắt đầu giao dịch vào năm 1988. Mức giảm lớn nhất của Brent là 16,84 USD hồi tháng 3.
Sự “lao dốc” của giá dầu, theo các nhà phân tích tại các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và UBS là do lo ngại suy thoái. UBS đã viện dẫn nhiều lý do, trong đó có giao dịch thương mại dầu không ổn định vì lạm phát, sự mạnh lên của đồng bạc xanh, các quỹ đầu cơ phản ứng với đà giảm của giá dầu, bảo hiểm rủi ro cho nhà sản xuất và những lo ngại về hạn chế di chuyển mới ở Trung Quốc.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất mở đối với hợp đồng tương lai WTI đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2016 do các nhà đầu tư cắt giảm các tài sản rủi ro.
Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho nhận xét rằng “không thể phủ nhận những lo ngại về sự phá hủy nhu cầu suy thoái, cộng với việc lãi suất mở WTI ở mức thấp nhất trong nhiều năm đã tạo ra một chút khủng hoảng về thanh khoản”.
Theo người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng kinh tế toàn cầu đã "tối đi đáng kể" kể từ tháng 4 và không thể loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu vào năm tới do rủi ro gia tăng.
Có rất nhiều yếu tố khiến giá dầu liên tục "hạ nhiệt" trong những ngày qua. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu tiếp tục giảm khi Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 6-7 báo cáo mức tăng dự trữ dầu thô của Mỹ là 3,825 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 1,1 triệu thùng. API cũng cho biết, lượng tồn kho xăng giảm 1,814 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1-7; dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 635.000 thùng.
Thêm vào đó, thông tin việc làm của Mỹ giảm ít hơn dự kiến trong tháng 5 cho thấy thị trường lao động vẫn còn thắt chặt. Điều này có thể khiến Fed tiếp tục chính sách tích cực khi cố gắng đưa lạm phát cao xuống mức 2%.
Giá dầu tăng cũng một phần bởi thị trường lo ngại việc phong tỏa mới để hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể làm giảm nhu cầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.763 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.615 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.353 đồng/lít và dầu mazut không quá 19.722 đồng/kg.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)