Giải bài toán lúa, gạo

10/12/2019 - 07:22

 - Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng đời sống nông dân trồng lúa phát triển chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất, tăng cường chuỗi liên kết bền vững, xây dựng thương hiệu, tiến tới nâng cao giá trị hạt gạo là những giải pháp cho ngành lúa, gạo.

Phát huy lợi thế so sánh

Là một người dành nhiều tâm huyết với cây lúa, GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL) cho rằng, lúa, gạo vẫn là một trong những cây trồng quan trọng nhất tại Việt Nam. Hàng năm, diện tích canh tác lúa chiếm khoảng 3 triệu ha, năng suất trung bình khoảng 6,3 tấn/ha. Nhiều giống lúa mới đã được lai tạo, cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước nhưng giá trị thấp hơn một số quốc gia khác. Ghi nhận tháng 10-2019, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam là 319 USD/tấn, trong khi Thái Lan là 407 USD/tấn, Ấn Độ 370 USD/tấn, Pakistan 365 USD/tấn…

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, tình trạng giá lúa thấp, đầu ra không ổn định gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân. Đối với các sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam, chất lượng gạo không kém các loại gạo có thương hiệu của Thái Lan, Ấn Độ nhưng giá bán vẫn thấp hơn rất nhiều, nguyên nhân là chưa khẳng định được thương hiệu. Do vậy, chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản, cụ thể là gắn nhãn hiệu cho mặt hàng gạo đặc sản để nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường cần phải được xúc tiến nhanh. Muốn vậy, cần phải có sự kết hợp giữa nghiên cứu, sản xuất và chế biến (tức là kết hợp giữa nhà nghiên cứu, nông dân và doanh nghiệp). Điều kiện để liên kết bền vững là cần tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Ví dụ như ở những vùng nhiễm mặn, phải xây dựng được các HTX sản xuất lúa giống chịu mặn, sản xuất lúa hàng hóa và nông dân phải nắm vững công nghệ sản xuất lúa chịu mặn để chủ động thích ứng với tình hình sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Còn ở vùng Phú Tân (An Giang), phải xây dựng các mô hình để ứng dụng công nghệ sản xuất nếp xuất khẩu với quy mô 200-300ha/xã. Trong khi đó, ở vùng Tri Tôn, cần tập trung sản xuất lúa Japonica (gạo hạt tròn) như: BL12, DS1, HATRI 200… để “phất cờ” về hạt gạo tròn, đồng thời phải củng cố và tiếp tục thành lập các tổ sản xuất, HTX để tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng với diện tích từ 200-300m2, sản xuất giống cấp nguyên chủng với diện tích từ 30-40ha, sản xuất giống cấp xác nhận với diện tích từ 10-50ha và tổ chức sản xuất lúa hàng hóa diện tích từ 1.000-2.000ha cho toàn tỉnh. “Tại An Giang có nhiều vùng sinh thái, nên tổ chức lại cơ cấu giống cho phân khúc thị trường như: gạo Japonica khoảng 10%, gạo hạt dài 60%, gạo đặc sản 20%, còn lại là các giống khác để cung cấp cho thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa” - GS.TS Nguyễn Thị Lang đề xuất.

Đa dạng nguồn thu từ cây lúa

Chuyên gia Nguyễn Thị Lang cho rằng, lâu nay, sản xuất lúa chủ yếu để thu về gạo trong khi những giá trị khác từ cây lúa chưa được khai thác tương xứng. Điển hình như trấu, một loại chất thải trong xay xát lúa nhưng lại chứa một tỷ lệ Silica (SiO2) khoảng 15-17%. Các nhà khoa học đã sáng chế ra phương pháp nhiệt phân đốt trấu trong các lò đặc biệt ở những nhiệt độ đặc biệt để thu được tro trấu có hàm lượng SiO2 lên đến trên 90%. Đây là hợp chất quý, được ứng dụng rộng rãi vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: làm phân bón hữu cơ silic (giúp tăng năng suất cây trồng từ 15-30%; tinh chế nguyên liệu silic dùng chế tạo pin mặt trời và chất bán dẫn; chế tạo thủy tinh lỏng; phụ gia cho sản xuất vỏ xe ôtô chất lượng cao; sản xuất sơn chịu nhiệt, chịu môi trường hóa chất; gạch chịu nhiệt, cách âm, cách nhiệt; làm xà phòng, kem đánh răng; phụ gia cho công nghiệp thực phẩm; dùng trong công nghiệp dược phẩm; ứng dụng trong công nghiệp chế tạo xi-măng và bê-tông; dùng trong y khoa (các loại hình rửa trong chụp X-Quang)…

Theo bà Lang, rơm và cám là những loại phụ phẩm có giá trị cao trong sản xuất lúa nếu biết tận dụng tốt. Ngoài ra, để liên kết nâng cao giá trị cây lúa một cách bền vững, cần triển khai tốt Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”. Đây là chính sách rất quan trọng cho phát triển vùng bởi tổ chức lại sản xuất bằng HTX kiểu mới rất thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đặc biệt là Israel - nơi nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư bài bản. “Tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, trong đó mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với đầu ra được chế biến hoàn chỉnh cho đến bàn ăn cần phải được ưu tiên xem xét. Các nông hộ nhỏ bé không thể tự bơi ra biển rộng khi Việt Nam là thành viên của WTO. “Cánh đồng lớn” là giải pháp trước mắt nhưng lâu dài vẫn phải là HTX nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng” - GS.TS Nguyễn Thị Lang phân tích.

Chuyên gia này cho rằng, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa mới có thể phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, có quy mô sản xuất lớn, bao gồm cả khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông, mở thêm ngành nghề khác trong nông thôn. “Mô hình “Cánh đồng lớn” đang phát huy những giá trị bước đầu của nó, cần có chính sách nhà nước hỗ trợ thích đáng. Đến lúc, chúng ta tích cực nhiều hơn trong cuộc vận động hợp tác hóa, giảm nhiều khâu trung gian trong chuỗi giá trị ngành hàng, để bà con nông dân trồng lúa thực sự có nguồn thu nhập cao, an sinh xã hội được đảm bảo” - bà Lang nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN