Ngày 12-6, sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức buổi họp báo giới thiệu cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2020". Đây là cuộc thi mang tính kế thừa từ giải cải lương Trần Hữu Trang với những đổi mới về thể lệ, quy mô nhằm hướng đến mục tiêu quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM phát hiểu trong buổi họp báo.
Theo ban tổ chức, đối tượng tham gia dành cho những nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương tại các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập trên toàn quốc. “Chúng tôi muốn mang đến một diễn mạo mới cho giải thưởng với tầm vóc, quy mô lớn hơn. Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc, cuộc thi cần phải có sự thích nghi, đáp ứng xu thế thời đại nhằm tạo sự lan tỏa cho cải lương. Đây cũng một trong những hoạt động trọng tâm của ban lãnh đạo TP.HCM trong năm 2020 đối với lĩnh vực sân khấu”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM phát biểu.
Về cơ cấu giải thưởng, ban tổ chức thông báo sẽ trao tổng số 30 huy chương, gồm 10 huy chương vàng, 20 huy chương bạc trong đêm chung kết. Nhiều đại biểu có mặt tỏ ra lo ngại, cho rằng việc trao giải thưởng quá nhiều sẽ giống như một chương trình liên hoan hơn là cuộc thi tìm kiếm tài năng.
Ban tổ chức kỳ vọng giải thưởng giúp các nghệ sĩ có thêm động lực làm nghề. Đây cũng cuộc thi cải lương đầu tiên không quan tâm đến độ tuổi, dạng vai.
NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu giải đáp việc tăng số lượng giải nhằm mục đích giúp các nghệ sĩ ở nhiều độ tuổi, loại vai có thêm cơ hội được đạt huy chương. Trong đó, cuộc thi có thêm nhiều hạng mục như: đào - kép mùi, kép độc - đào lẳng, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài... nên con số 30 huy chương là hợp lý.
“Tôi từng nhiều năm ngồi giám khảo trong các cuộc thi cải lương. Một số nghệ sĩ lớn tuổi chuyên đóng vai phụ dù rất tâm huyết và tài năng nhưng hiếm khi đoạt giải vì huy chương chỉ hay trao cho đào – kép chính. Đây là điều khiến chúng tôi băn khoăn, trăn trở và quyết định trao đổi với cơ quan quản lý để mở rộng cơ cấu giải thưởng”, ông nói. Cũng theo Trần Ngọc Giàu, việc các nghệ sĩ đoạt huy chương tại cuộc thi cũng là cơ sở thuận lợi để làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND theo quy định của Nhà nước.
Dù vậy, nhà giáo - NSND Trần Minh Ngọc khẳng định cuộc thi không phải nơi để các nghệ sĩ tranh đua danh hiệu mà nhằm mục đích khẳng định bộ môn cải lương vẫn còn nhiều tài năng, nằm ở nhiều độ tuổi: “Cuộc thi tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn. Vì thế, giải thưởng sẽ không phân biệt tuổi tác, dạng vai, kể cả đóng vai nhỏ, vai phụ”.
Theo quy định, các thí sinh tham gia dự thi phải có thâm niên hoạt động chuyên nghiệp từ 5 năm trở lên. Giải thưởng được chấm trên các tiêu chí: giọng ca, kỹ thuật biểu diễn, cảm xúc và khả năng xây dựng hình tượng nhân vật.
3 nghệ sĩ Kim Tử Long, Ngọc Huyền và Thoại Mỹ đều thành danh sau khi đoạt giải Trần Hữu Trang.
Giải Trần Hữu Trang được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991. Đây là giải thưởng lâu đời và uy tín nhất của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Giải trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ tên tuổi hiện nay như: Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Quế Trân, Vũ Luân... Cuộc thi năm nay triển khai từ đầu tháng 8, với 2 vòng tuyển chọn trên ba khu vực: TP.HCM, Hà Nội và thành phố Cần Thơ. Sau hơn một tháng tranh tài, đêm chung kết xếp hạng diễn ra ngày 25-30/8 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Đêm gala trao giải được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) ngày 2/9.
Theo THUÝ NGỌC (Vietnamnet)