Giải cứu hàng trăm người ở Địa Trung Hải, Bắc Đại Tây Dương

05/07/2021 - 13:43

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 4-7, Hãng thông tấn nhà nước Maroc (MAP) dẫn nguồn tin quân sự cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hải quân Hoàng gia Maroc đã cứu sống và hỗ trợ 244 người di cư bất hợp pháp trong các cuộc tuần tra ở Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải trong 48 giờ qua.

Tàu cứu hộ giải cứu người di cư trên biển ở gần đảo Lampedusa, Italy, ngày 20-8-2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo MAP, những người di cư trên hầu hết đến từ các nước ở Nam Sahara của châu Phi. Do tình trạng sức khỏe yếu, nhiều người trong số họ đã được chăm sóc tại các đơn vị của Hải quân Hoàng gia Maroc trước khi được đưa trở lại các cảng ở nước này để làm các thủ tục hành chính thông thường.

Cùng ngày, tổ chức cứu hộ trên biển của châu Âu SOS Mediterranee cho biết tàu cứu hộ người di cư Ocean Viking của tổ chức này đã giải cứu 203 người, trong đó có 67 trẻ vị thành niên, trong những ngày gần đây.

Theo SOS Mediterranee, những người di cư này đến từ các nước Ai Cập, Gambia, Libya, Nam Sudan, Syria và Tunisia. Họ được giải cứu trong 4 chiến dịch riêng biệt kể từ ngày 1-7 vừa qua.

Liên quan vấn đề người di cư, trang tin schengenvisainfo.com dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết các nhà lãnh đạo của Nhóm Visegrad (V4 - gồm Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia) không ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) phản bổ hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ông Orban đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm V4 thảo luận về các vấn đề liên quan khu vực trong bối cảnh thế giới bị biến đổi do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết các nhà lãnh đạo V4 đã thảo luận chi tiết về chiến lược di cư vì chủ đề này là một phần của tương lai của châu Âu.

Các cơ quan chức năng của 4 nước Visegrad có quan điểm thống nhất liên quan vấn đề di cư và tị nạn, theo đó đã liên tục kêu gọi EU bãi bỏ kế hoạch phân bổ bắt buộc các nước thành viên tiếp nhận người tị nạn.

Cơ quan Bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (Frontex) đã ngừng hoạt động tại Hungary, sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) hồi tháng  12 năm ngoái ra phán quyết lưu ý Hungary không tuân thủ luật của EU và đang hạn chế quyền tiếp cận của người xin tị nạn. 

Năm 2018, Séc được cho là sẽ nhận khoảng 2.690 người tị nạn từ Italy và Hy Lạp, song nước này chỉ đảm bảo cho 12 người. Tương tự, Hungary lẽ ra phải nhận hơn 1.290 người và Ba Lan nhận hơn 7.000 người, nhưng cả hai nước này đều không nhận người tị nạn. Slovakia được cho là sẽ nhận hơn 900 người, nhưng đến nay chỉ nhận 16 người.

Theo CÔNG THUẬN - TẤN ĐẠT (TTXVN)