Giải mã bí ẩn câu chuyện 12 con giáp

21/01/2023 - 18:56

Lần giở sách vở lại nghĩ chuyện 12 con giáp, vì sao có tên Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi và thứ tự của các con giáp này.

Thử đặt câu hỏi, con chuột (Tý) vì cớ gì xếp trước con mèo (Mão)? Theo lẽ thông thường, con chuột sợ con mèo, thì Mão phải lên trước chứ. Vậy mà chuột lại đứng đầu bảng 12 con giáp, không con nào vượt qua được cả.

Vì sao bao nhiêu loài vật không chọn lại chọn đúng 12 con vật, trong đó có 4 loài hoang thú (chuột, hổ, rắn, khỉ), 7 loài con người thuần hóa, nuôi dưỡng: trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn và duy nhất một con vật thần thoại, tưởng tượng là rồng?

12 con giáp trong văn hoá người Việt. (Nguồn ảnh: ictnews.vietnamnet.vn)

Nhiều quan điểm lý giải cho trật tự này. Bản thân tôi nghĩ đến Hệ biểu tượng mà GS Trần Quốc Vượng đã có lần giải thích. Cơ bản Âm lịch ở phương Đông của các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đều có một trật tự: số 1 là Tý, số 12 là Hợi.

Một số con giáp ở vị trí giữa có thể thay đổi, chẳng hạn Mão ở Việt Nam là mèo được thay bằng Thỏ ở Trung Quốc, có nơi thay Hổ bằng Voi.

Trong vấn đề biểu tượng, nói như Carl-Gustav Jung (1875 - 1961), nhà phân tâm học nổi tiếng thế giới, biểu tượng là một cái gì đó nằm ngoài ý nghĩa đích thực của nó, vậy cái nằm ngoài đó là gì, nói lên điều gì khác.

Một vật có thể có nhiều biểu tượng và một biểu tượng có thể chỉ nhiều vật. Ở đây, trong 12 con giáp có sự khác biệt là do từng cộng đồng, dân tộc lựa chọn, phù hợp với văn hóa, lịch sử của họ. Có thể đưa ra giả thuyết về cảm quan sinh học hay thời sinh học được hiểu giản đơn qua khái niệm đồng hồ sinh học (biological clock) để lý giải về trật tự 12 con giáp này.

Các con giáp nói trên có cảm quan sinh học tiêu biểu, nhạy bén với thay đổi giờ giấc do ảnh hưởng của góc chiếu của mặt trời lên kinh tuyến trái đất. Con người theo kinh nghiệm đã quan sát các loài vật này và phản ứng sinh học của chúng mà định vị cho giờ giấc của mình.

Ví dụ: loài chuột vào tầm nửa đêm (23h - 1h) hoạt động mạnh, tỉnh táo và nhạy bén tìm kiếm thức ăn, nên giờ Tý được đặt vào lúc này. Vào giờ Sửu (1 - 3h), dạ dày loài trâu tiêu hết cỏ, trâu nằm nhai lại và quay sang gại sừng gióng chuồng lốc cốc. Giờ Dần (3 - 5h) là giờ hổ về hang nằm nghỉ…

Có lẽ vì thế mà các con vật trong 12 con giáp đã được lấy làm biểu tượng, vì chính khoảng thời gian đó là đặc biệt, điển hình nhất trong tập tính, giờ giấc sinh học của nó. Xem ra, nếu lý giải theo hướng này thì thứ bậc cao thấp chẳng có ý nghĩa gì cả, nó tuân thủ theo quy luật tự nhiên, quy luật sinh học của động vật và con người quan sát, kinh nghiệm để ứng dụng trong sinh hoạt, đời sống của mình.

Theo TS LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG (Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế/VTC News)

 

Liên kết hữu ích