Lõi đá dài 35 cm từ địa tầng nơi có quần xã sinh vật Lantian. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nghiên cứu do Viện Địa chất và Địa vật lý cùng Viện địa chất và Cổ sinh Nam Kinh (đều thuộc Viện Khoa học Trung Quốc) phối hợp với Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh và Đại học Durham thực hiện.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thu thập một lõi đá dài 35 cm từ địa tầng nơi có quần xã sinh vật Lantian thuộc huyện Hưu Ninh, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc ngày nay. Quần xã này được cho là cụm sinh vật vĩ mô phức tạp lâu đời nhất được biết đến trên thế giới. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng bước tiến hóa quá trình tiến hóa quan trọng gia tăng kích thước xảy ra từ 602 triệu năm trước đây, với sự xuất hiện lần đầu tiên của các sinh vật đa bào.
Nhà nghiên cứu Yang Chuan tại Viện Địa chất và Địa vật lý cho biết cụm sinh vật vĩ mô ban đầu chứa ít nhất 18 dạng sinh vật đa bào khác nhau. Cụm sinh vật này được bảo quản trong các đá phiến sét đen có niên đại từ Kỷ Ediacaran. Ông nhấn mạnh từ góc nhìn ngày nay thì các sinh vật vĩ mô từ quần xã sinh vật Lantian là nhỏ vì chúng chỉ dài vài cm. Tuy nhiên, sự tiến hóa của chúng từ các sinh vật sống lần đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất chỉ có kích thước micromet sang kích thước cm là một "bước nhảy vọt khổng lồ trong lịch sử tiến hóa" của sinh vật sống.
Nhà nghiên cứu Yang cho biết thêm rằng trong "vụ nổ sinh học" kỷ Cambri, một số sinh vật sống đã phát triển chiều dài tới 2m với các cấu trúc và chức năng phức tạp hơn, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của tổ tiên nhiều sinh vật hiện đại.
Theo MINH TÂM (TTXVN)