Giải pháp chống sạt lở và bồi lắng cho ĐBSCL

19/03/2020 - 06:56

 - LTS: Những năm gần đây, hiện tượng xói lở và sạt lở xảy ra ngày càng gia tăng, đáng báo động trong hệ thống sông ở vùng ĐBSCL, đòi hỏi các địa phương cần có biện pháp khẩn cấp phòng, chống kịp thời. Bởi sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa tính mạng hàng triệu người dân

Kỳ 1: Sạt lở ở mức báo động

ĐBSCL là một đồng bằng non trẻ, hình thành cách đây 7.000 năm do sự bồi lắng của phù sa từ sông MêKông và dòng bùn cát ven biển tạo nên. Do vậy, ĐBSCL có cấu tạo nền địa chất rất yếu và rất dễ bị tổn thương, nên bất kỳ một sự tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL.

Nếu như năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến năm 2019 số điểm sạt lở đã lên đến 681 điểm, tăng gấp 7 lần. Trong đó, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, tỉnh An Giang xuất hiện 78 điểm sạt lở với trên 91,2 km bờ sông và tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, với tổng chiều dài và diện tích sạt lở 28,5 km và 17,98ha. Các điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Sạt lở diễn biến phức tạp cắt đứt đường giao thông

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Bảy, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh cảnh báo: "Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đã đến hồi báo động và đòi hỏi có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ. Song song với hiện tượng sạt lở gia tăng, hiện tượng bồi lắng cũng xuất hiện, nguồn cát và nguồn phù sa màu mỡ ở ĐBSCL càng lúc càng ít, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và thủy sản của vùng đất được xem là vựa lúa của Việt Nam. Hiện tượng sạt lở ở ĐBSCL thường xuất hiện dưới hai dạng: xói lở và sạt lở bờ".

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Linh Thước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Vấn đề xói lở, bồi lắng tại hệ thống sông ở khu vực ĐBSCL trong thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, trở thành điểm nóng được ưu tiên, quan tâm xử lý. Đã có 526 điểm sạt lở với chiều dài gần 800 km được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng khắc phục hậu quả sạt lở, phục hồi an sinh cho người dân...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định: "Vấn đề xói lở, bồi lắng tại hệ thống sông ở khu vực ĐBSCL trong thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của xã hội và là điều nan giải được ưu tiên, quan tâm xử lý của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương với gánh nặng 526 điểm sạt lở với chiều dài gần 800 km, được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng khắc phục hậu quả sạt lở, phục hồi an sinh cho người dân...".

Lãnh đạo Trung ương và địa phương khảo sát, tìm giải pháp khắc phục sạt lở

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn: toàn tỉnh có  52 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169.330m, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Số đoạn cảnh báo sạt lở có xu hướng tăng về chiều dài, gia tăng về mức độ nguy hiểm và xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ. Một số đoạn như: đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân), đáy sông sâu và sát bờ, thường diễn biến sạt lở đột xuất; đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) sạt lở mạnh hàng năm, đang đe dọa đường giao thông dài 6.900m. Địa hình vách lòng sông khá đứng, độ sâu thay đổi từ -11m đến -19m từ thượng nguồn về hạ nguồn, chỉ cách bờ từ 30m-50m; khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30m có chiều dài 130m, rộng 70m, dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn, khu vực này đông dân cư.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL”, do UBND tỉnh An Giang phối hợp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 11-2019, các chuyên gia trong nước, quốc tế cho rằng, sạt lở ở ĐBSCL đến hồi báo động. Các tỉnh, thành phố trong khu vực cần gấp rút khảo sát, đánh giá mức độ nguy cơ các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở dọc theo các bờ sông và thực hiện trước giải pháp công trình ngăn chặn nguy cơ sạt lở...

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 2: Nguyên nhân và hậu quả của sạt lở