Giải pháp duy trì - bước đi ngăn chặn kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ

25/09/2021 - 08:51

Nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần lại hiện hữu, trong bối cảnh ngân sách có thể cạn kiệt vào ngày 30/9, thời điểm kết thúc tài khóa 2021. Ðảng Dân chủ đang ráo riết tìm kiếm đồng thuận từ phía đảng Cộng hòa, nhằm đạt được giải pháp cấp bách giúp tránh những hệ lụy nghiêm trọng từ kịch bản đóng cửa chính phủ.


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trước cảnh báo của Thư ký Báo chí Nhà trắng Jen Psaki đưa ra hôm 23-9 về hậu quả của việc đóng cửa chính phủ là "vô cùng tốn kém, gây gián đoạn và tổn hại", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cam kết sẽ ngăn chặn xảy ra kịch bản đóng cửa chính phủ và cho biết các nghị sĩ có thời hạn đến ngày 30-9 để "bật đèn xanh" cho gói tài trợ, giúp các cơ quan liên bang duy trì hoạt động. Ðóng cửa chính phủ là kịch bản không mong muốn, bởi nó dẫn đến việc hàng trăm nghìn người lao động phải tạm nghỉ việc, trong khi các công viên, bảo tàng và dịch vụ liên bang khác đóng cửa.

Hạ viện Mỹ hôm 21-9 đã bỏ phiếu thông qua dự luật do đảng Dân chủ đề xuất, được gọi là "giải pháp duy trì", cho phép các cơ quan liên bang tiếp tục hoạt động đến ngày 3/12, tránh được nguy cơ chính phủ phải đóng cửa vào cuối tháng 9 này. Ðảng Dân chủ đính kèm dự luật với biện pháp đình chỉ áp mức trần nợ công, với lập luận rằng giải pháp tình thế này có thể giúp nền kinh tế số 1 thế giới tránh được nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, phe Cộng hòa phản đối, vì cho rằng, dự luật chi tiêu của đảng Dân chủ sẽ vượt tầm kiểm soát. Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vừa qua, không một nghị sĩ đảng Cộng hòa nào ủng hộ "giải pháp duy trì". Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện, nhưng chỉ có lợi thế mong manh tại Thượng viện, đồng nghĩa phe Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ của một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để thông qua dự luật nêu trên.

Trong khi hai phe tại Quốc hội Mỹ vẫn loay hoay tìm đồng thuận, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể đảo ngược, từ phục hồi sang suy thoái, nếu Quốc hội không nhanh chóng nâng trần nợ công liên bang. Các nhà kinh tế ước tính, giới hạn vay nợ không được mở rộng, khoảng sáu triệu việc làm và lượng tài sản hộ gia đình trị giá 15.000 tỷ USD có thể bị xóa sổ, nền kinh tế Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng, có nguy cơ kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Trong thư gửi các nghị sĩ Mỹ, hiệp hội Business Roundtable gồm hơn 200 giám đốc điều hành các công ty hàng đầu của Mỹ, cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế nếu các nghị sĩ không nhanh chóng nhất trí tăng trần nợ công. "Giải pháp duy trì" cho chính phủ Mỹ chỉ có thể đạt được khi các đảng phái gác lại bất đồng, có bước đi khẩn cấp chặn kịch bản đóng cửa chính phủ, cản trở nỗ lực ứng phó đại dịch, phục hồi kinh tế và các mục tiêu ưu tiên khác của đất nước.

Theo ANH TÚ (Nhân dân)