Giải pháp ngăn chặn bạo lực gia đình

06/11/2019 - 07:53

 - “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” (gọi tắt là Bộ tiêu chí) đang được triển khai thí điểm tại xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn), được người dân đồng tình thực hiện. Theo đó, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ra đời nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi người, mỗi gia đình trên địa bàn xã theo hướng tích cực, ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thu hút nhiều người dân tham gia

Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp UBND huyện Thoại Sơn tổ chức lễ phát động triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2019 tại xã Vĩnh Phú vào ngày 9-10. Bộ tiêu chí được Bộ VH-TT&DL ban hành và thực hiện thí điểm trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ tiêu chí gồm 4 tiêu chí chung và 4 tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Còn các tiêu chí cụ thể, gồm: ứng xử vợ chồng; ứng xử của cha mẹ và con; ứng xử của ông bà và cháu; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình. Bộ tiêu chí này được áp dụng cho các thành viên trong gia đình. Trong đó, tôn trọng là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Bình đẳng là nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Yêu thương là có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ là cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, khó khăn.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Công tác gia đình xã Vĩnh Phú Nguyễn Vũ Thế Chương cho biết: “Chúng tôi cho 300 hộ gia đình (chia đều ở 4 ấp) đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tại lễ phát động, các hộ dân đã được đăng ký thực hiện, phổ biến nội dung bộ tiêu chí. Các hoạt động tuyên truyền được địa phương thực hiện đa dạng, linh động bằng nhiều hình thức. Cụ thể, tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh huyện (3 lần/tuần); tuyên truyền trên pa-nô, tờ rơi…Trong đó tập trung tuyên truyền kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương thủy chung, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền còn quan tâm đến chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình. Các hộ được chọn đăng ký tham gia đều là các gia đình văn hóa của địa phương. Vì thế khi triển khai thực hiện bộ tiêu chí, tất cả hộ tham gia đều đồng tình hưởng ứng”.

Theo đó, mỗi ấp sẽ có 75 hộ đăng ký tham gia tương ứng với 1 tiêu chí ứng xử trong gia đình như đã kể ở trên, tham gia đầy đủ sinh hoạt hàng tháng theo quy định. Địa phương thường lồng ghép các nội dung của bộ tiêu chí vào những buổi sinh hoạt tại ấp, sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, tổ an ninh nhân dân, câu lạc bộ đờn ca tài tử… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đời sống gia đình. Quá trình thực hiện được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như hướng dẫn của Sở VH-TT&DL nên công tác tuyên truyền cần tập trung, bám sát nội dung cụ thể bộ tiêu chí. Tuy nhiên theo ông Chương, vì là địa phương thí điểm nên công tác tổ chức ban đầu còn gặp nhiều lúng túng nhưng đã được địa phương khắc phục nhanh chóng.

Có thể nói, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là thước đo chuẩn mực của một gia đình, giúp các thành viên hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với ông bà, cha mẹ hay vợ chồng… Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, hành vi của các thành viên trong gia đình theo hướng tích cực, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực gia đình. Đây còn là “sợi dây vô hình” liên kết các thành viên trong gia đình ngày càng yêu thương, sẻ chia, cảm thông và cùng nhau phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Huỳnh Văn Thu (sinh năm 1954, ngụ ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú) bày tỏ: “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai và thí điểm ở địa phương, theo tôi là một vinh dự. Những hộ dân được tham gia bộ tiêu chí thấy hãnh diện. Bản thân tôi và gia đình khi được địa phương tuyên truyền, vận động tham gia đã đồng ý ngay vì ý nghĩa rất thiết thực mà bộ tiêu chí mang lại. Nó giúp gia đình hòa thuận và yêu thương nhau nhiều hơn thông qua từng tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn, ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu trong từng cử chỉ, hành động, lời nói. Đồng thời, quan tâm, chăm sóc con cháu khi còn nhỏ, trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong… Thật ra, trước khi triển khai bộ tiêu chí này, tôi vẫn thường răn dạy con cháu những điều tốt đẹp. Có thêm bộ tiêu chí càng giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn”.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích