Những người tị nạn Sudan đang chờ nhận thực phẩm bổ sung từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gần biên giới giữa Sudan và Chad ở Koufroun, Chad, 11/5/2023. Ảnh: REUTERS
Trong số 250 triệu người nêu trên, có khoảng 376.000 người ở bảy quốc gia trong tình cảnh thiếu ăn, trong khi 35 triệu người khác ngấp nghé ngưỡng này. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ðiều phối viên Liên hợp quốc về phòng, chống và ứng phó nạn đói, bà Reena Ghelani nêu rõ, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng mất an ninh lương thực.
Trên thế giới, châu Phi hiện là một trong những vùng trũng đáng báo động về an ninh lương thực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, giá lương thực tăng cao có thể dẫn tới bạo loạn xã hội tại Lục địa đen.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực tăng trong bối cảnh châu Phi phải nhập khẩu tới 85% nhu cầu lúa mì và các nước phụ thuộc lớn nhất là Tanzania, Côte d’Ivoire, Senegal và Mozambique.
Tại các nước như Botswana, Lesotho, Mauritius và Cape Verde, nhập khẩu gạo, lúa mì và ngô chiếm hơn 40% nhu cầu.
Nguy cơ mất an ninh lương thực đang rất cao ở các nước có xung đột tại vùng Sahel, Madagascar và CHDC Congo.
Cơ quan Phát triển liên chính phủ Ðông Phi (IGAD) cho biết, hơn 29 triệu người ở khu vực này đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực.
Đói kém và xung đột là hai yếu tố có tác động qua lại.
Ðiều phối viên Reena Ghelani
Ðiều phối viên Reena Ghelani cho rằng, đói kém và xung đột là hai yếu tố có tác động qua lại.
Một mặt, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu ăn và nạn đói. Từng nước trong nhóm bảy quốc gia có nhiều người dân đói ăn đều bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hoặc bạo lực cực đoan, năm nước gồm Afghanistan, Haiti, Somalia, Nam Sudan và Yemen thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bà Reena Ghelani chỉ rõ, xung đột vũ trang phá hủy hệ thống lương thực, làm lung lay sinh kế, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa, rơi vào những hoàn cảnh khó khăn và đói khổ.
Mặt khác, mất an ninh lương thực cũng gây bất ổn. Nghiên cứu gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy, tình trạng mất an ninh lương thực (đi kèm với những bất ổn có sẵn, tâm lý tuyệt vọng do nghèo đói và bất bình đẳng gây ra cùng với các vấn đề quản trị) khiến con người có xu hướng bạo lực hơn hòa bình.
Bà Ghelani nhận định, nạn đói bắt nguồn từ xung đột sẽ càng trầm trọng hơn khi có thêm những tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế. Biến đổi khí hậu đang ngày càng lộ rõ là yếu tố làm gia tăng các mối nguy hiểm theo cấp số nhân. Một khi thiếu nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, mức độ cạnh tranh sẽ gia tăng và tình trạng di dân để tìm nguồn nước cũng xảy ra nhiều hơn trong khi xung đột và nạn đói lan rộng.
Ðiều phối viên Reena Ghelani. Ảnh: un.org
Trước thực trạng trên, Ðiều phối viên Reena Ghelani hối thúc thế giới nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt mọi hình thức xung đột.
Bà Ghelani kêu gọi hành động trong năm lĩnh vực.
Thứ nhất, bảo đảm các bên xung đột tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc bảo vệ các cơ sở cần thiết cho sự sống của người dân như kho lương thực, hệ thống nước và các cơ sở cần thiết cho sản xuất và phân phối lương thực.
Thứ hai, tận dụng tốt hơn các cơ chế cảnh báo sớm đồng thời phối hợp hành động sau khi nhận thông tin cảnh báo.
Thứ ba, táo bạo và sáng tạo trong việc tìm cách giảm thiểu tác động của xung đột đối với những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Thứ tư, đặt phụ nữ và trẻ em gái ở trung tâm của các nỗ lực.
Thứ năm, tránh phản ứng nửa vời, rời rạc đối với các rủi ro có thể lan rộng, cần gây quỹ tài trợ nhân đạo phù hợp cũng như các nỗ lực giải quyết khủng hoảng kinh tế và khí hậu.
Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột, năng lượng, biến đổi khí hậu… Giới phân tích cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng mất an ninh lương thực, thế giới cần sớm ngăn chặn những thách thức nêu trên.
Theo Nhân dân