Câu chuyện “Ông tiên 3 vợ”
Xung quanh tên gọi của núi Ba Thê và các núi nhỏ xung quanh có nhiều giai thoại. Tương truyền xưa kia, có một người lên núi tu, xa lánh chốn hồng trần. Tuy nhiên, vì lòng trần chưa dứt, còn quyến luyến chuyện đời nên ông cứ chiều chiều lại mong ngóng về phương xa với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ.
Sau đó, vị sư đã hóa đá, giống như chuyện “Hòn Vọng Phu” nên gọi là núi “Vọng Thê”. Tuy nhiên, người dân Thoại Sơn thích giai thoại khác về cụm núi này hơn.
“Chuyện kể rằng, xưa có 1 ông tiên cùng 3 bà vợ ngự ở vùng này. Ông tiên thường mê rượu chè nên bỏ bê các bà. Ngày kia, 3 bà vợ thách ông cùng thi đắp núi. Ông tiên cậy sức nên vừa đắp, vừa uống rượu, đến khi ngủ dậy thì các bà vợ đã đắp được 3 ngọn núi rất cao.
Đó chính là 3 ngọn của núi Ba Thê (dịch là 3 vợ), trong khi núi ông tiên đắp chỉ nhỏ xíu, người sau này gọi là núi Nhỏ (cặp chân núi Ba Thê, chỉ cao 42m). Ông tiên tức giận lấy đá ném về các ngọn núi của 3 bà, 1 hòn đá văng ra xa nằm trơ trọi một mình, gọi là núi Trọi; hòn đá khác gây sập rừng cây nên người ta gọi là núi Sập.
Một hòn đá văng xuống ruộng, có chóp núi giống đầu voi nên gọi là núi Tượng, hòn còn lại là núi Chóc” - ông Võ Văn Thế (hành nghề “xe ôm” tại chân núi Ba Thê) kể lại.
Để chứng minh cho giai thoại này, ông Thế chở khách lên trên núi Ba Thê, đến vị trí có vết chân khổng lồ mà nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên.
“Đây là dấu vết mà 1 bà tiên để lại khi ngọn núi chưa kịp “khô”. Tại đây, vào năm 1933, người dân trong vùng đã dựng lên ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên tự, sau đó được trùng tu thêm. Trước sân chùa dựng bức tượng Phật Quan Thế Âm cao 8m, đứng trên tòa sen hướng mắt bao quát ra toàn cảnh núi” - ông Thế giới thiệu thêm.
Cạnh ngôi tháp xá lợi cổ bên chùa, có tấm bia ghi lại chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Nơi đây, ngày 6-5-1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt 29 tên địch đóng đồn Hoa Thê sơn”.
Vùng đất linh thiêng
Cùng với Bàn Chân Tiên, một địa điểm linh thiêng khác trên núi Ba Thê cũng rất được người dân tin tưởng là Thạch Đại Đao, tảng đá có hình cây đao nằm nơi mỏm núi, dài 3,2m. Người dân nơi đây kể rằng, xưa có 1 vị tướng “nhà trời” xuống đây dẹp loạn, bỏ quên cây đao khổng lồ bằng đá, từ đó xuất hiện ngôi miếu thờ mang tên miếu Đại Đao.
Cũng có người lại kể rằng, xưa kia bỗng xuất hiện 1 tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó, người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho nhân dân tới chiêm bái.
Ngoài ra, trên núi Ba Thê còn xuất hiện những địa điểm tâm linh gắn với thời kỳ hoang sơ ở vùng đất này, như: hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ Phượng Thần núi…
Quá trình phát triển của vùng Ba Thê gắn với ngôi chùa rất nổi tiếng là Linh Sơn Cổ tự (chùa Linh Sơn), mà người dân nơi đây thường gọi chùa Phật Bốn Tay. Chùa tọa lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng khoảng 10.000m2, có nhiều cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát.
Theo lời các trụ trì ở chùa Linh Sơn, vào năm 1912, khi Pháp huy động nhân dân phá bỏ 1 gò đất để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao hơn 1,7m bằng đất nung, nằm sâu dưới lòng đất khoảng 2m. Vùng này khi đó có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số Khmer, họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer.
Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, khi trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện để rước tượng về thờ thì ngay lập tức, chỉ với 4 người đã dễ dàng thỉnh được tượng Phật, người dân lộng gỗ về thờ ở chùa.
Điều kỳ bí khác là tại sân chùa Linh Sơn có 2 tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, 1 tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật Bốn Tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa 2 tảng đá cổ. Nhà chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.
Ngày 6-12-1989, tượng Phật Bốn Tay và 2 tảng đá cổ đã được công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và 2 tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất.
Tiềm năng phát triển du lịch
Dù gọi là cụm núi Ba Thê nhưng trên thực tế, chỉ có ngọn Ba Thê là đạt độ cao của “núi” (trên 200m), các ngọn núi còn lại như: núi Trọi, núi Tượng, núi Nhỏ, núi Chóc chỉ cao vài chục mét, tương đương với đồi đá.
Tuy nhiên, những nông dân ở vùng này vẫn xem đây là những ngọn núi linh thiêng, có thần núi trấn giữ, phù hộ cho người dân sản xuất nông nghiệp, làm ăn sinh sống. Điển hình như ở núi Trọi, cứ đến ngày 16 tháng chạp hàng năm là nhiều người lại tề tựu về đây tổ chức lễ cúng Ông Tà, được ví như vị thần núi.
Dưới chân núi Trọi có tảng đá hình người nằm úp, nhấp nhô những ụ đá nhỏ xung quanh mà người ta gọi là “mâm cơm của Ông Tà”. Một tảng đá phía trên có hình vẽ bàn cờ nổi, người dân gọi là “Bàn Cờ Tiên”, lại có những lằn đá nổi lên kéo dài không dứt, người dân cho rằng đó là đường đi của con rắn khổng lồ trước khi tu hóa thân thành rồng.
Duy có tảng đá lớn hình mẹ cõng con là gắn với lịch sử chống Mỹ của quân dân ta. Thời đó, Mỹ-ngụy đặt hệ thống vũ khí hiện đại trên đỉnh núi Trọi để tiêu diệt quân giải phóng phía dưới. Tuy nhiên, khối đá lớn của tảng đá hình mẹ cõng con (ví như phần đầu của người mẹ) lại che khuất một góc vành đai núi Trọi.
Mỹ đã dùng nhiều máy bay hạng nặng kéo khối đá này xuống nhưng đành bất lực. Lợi dụng góc khuất đạn pháo của địch không thể bắn xuống, quân ta tiến công theo hướng này để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Núi Ba Thê cùng với các núi nhỏ xung quanh nằm cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 40km, cách trung tâm huyện Tri Tôn chưa tới 30km. Hiện nay, tuyến Tỉnh lộ 943 nối Long Xuyên - Ba Thê - Tri Tôn đã được mở rộng, nâng cấp khá thuận tiện, kết nối Thoại Sơn vào tứ giác du lịch của An Giang (Long Xuyên - Châu Đốc - Tri Tôn - Thoại Sơn).
Với cảnh đẹp thiên nhiên, nền văn hóa Óc Eo độc đáo cùng những di tích lịch sử - văn hóa, những giai thoại kỳ bí, cụm núi Ba Thê sẽ trở thành khu du lịch hấp dẫn nếu được đầu tư khai thác phù hợp…
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, tên gốc của núi Ba Thê là “Hoa Thê sơn”. Vào thời vua Minh Mạng, do “kỵ húy” tên bà hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên “Hoa Thê sơn” được đổi thành “Ba Thê sơn”, còn có tên gọi khác là Vọng Thê. Cụm núi Ba Thê nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, gồm các núi: Ba Thê, núi Nhỏ (thị trấn Óc Eo), núi Tượng, núi Chóc (xã Vọng Đông) và núi Trọi (xã An Bình). Trong đó, núi Ba Thê cao nhất với 3 chóp đứng, gồm đỉnh phía Bắc (cao 221m), đỉnh phía Nam (cao 161m) và đỉnh cao nhất ở giữa (226m), có nhiều cây cổ thụ xanh tươi tỏa bóng mát.
|
XUÂN LỘC